Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội làm việc với lãnh đạo tỉnh

08:09, 16/09/2011

Chiều 13-9-2011, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội do các đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban: Nguyễn Văn Phúc, Mai Xuân Hùng, Đặng Thế Vinh và lãnh đạo Vụ Kinh tế Quốc hội đã làm việc với lãnh đạo tỉnh ta về kết quả thực hiện nhiệm vụ 8 tháng, dự báo những tháng còn lại năm 2011; phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; đánh giá thực hiện kế hoạch 5 năm (2006-2010), phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2010-2015); việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2006-2010, dự kiến kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020; những thuận lợi, khó khăn, kiến nghị, đề xuất về cơ chế chính sách, pháp luật. Dự làm việc với đoàn có các đồng chí Ủy viên Ban TVTU: Đoàn Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Quang An, Giám đốc Sở KH và ĐT; đồng chí Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; lãnh đạo các Sở: Tài chính, TN và MT, NN và PTNT, Công thương, Xây dựng và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh.

Tám tháng năm 2011, sản xuất lúa xuân năng suất bình quân toàn tỉnh đạt 68,78 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay; vụ mùa đã gieo trồng và chăm bón tốt 80.250ha lúa; đàn lợn đạt 670 nghìn con, đàn gia cầm 5.985 nghìn con, sản lượng thủy sản đạt 63,7 nghìn tấn, công tác xây dựng nông thôn mới triển khai tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 6.936 tỷ đồng, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 9.418 tỷ đồng, chỉ số giá tiêu dùng tăng 13,9% so với tháng 12-2010; giá trị hàng hóa xuất khẩu ước đạt 180,2 triệu USD, tổng giá trị nhập khẩu ước đạt 134,4 triệu USD; tổng nguồn vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng, tăng 25%; thu ngân sách 1.327 tỷ đồng, đạt 99,8% dự toán và tăng 75% so với cùng kỳ; số dư huy động vốn ước đạt 13.900 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay ước đạt 17.300 tỷ đồng. Các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, lao động xã hội, bảo hiểm xã hội, văn hóa - thể thao - du lịch; nội vụ… đều có bước tiến bộ; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Dự kiến chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2012 là: Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 13% trở lên; giá trị nông, lâm, thủy sản tăng 3% trở lên; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 23%, giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng 11-12%, giá trị xuất khẩu đạt 310 triệu USD, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 15% trở lên, thu ngân sách phấn đấu đạt 1.619 tỷ đồng; giảm tỷ lệ sinh trong năm 0,15-0,2%o, tạo việc làm cho 32 nghìn người; có trên 80% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 7%, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống còn 15%, cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho trên 90% dân số ở nông thôn. 6 giải pháp chủ yếu trong năm 2012 là: quản lý, thực hiện tốt các quy hoạch và cơ chế, chính sách đã ban hành; tiếp tục chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển nhanh các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; huy động các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, tăng cường công tác quản lý đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư; tăng cường các biện pháp thực hiện thu ngân sách; phát triển các lĩnh văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của bộ máy Nhà nước, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trong 5 năm 2006-2010, tỉnh Nam Định có 10 chỉ tiêu đạt và vượt mức kế hoạch; song vẫn còn 7 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu trong 5 năm tới (2011-2015) là: Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân 13-14%/năm, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 39-40 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế đến năm 2015 là: nông - lâm - ngư nghiệp 26%, công nghiệp - xây dựng 39,5%, dịch vụ 34,5%; giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng bình quân 3-4%/năm, riêng thủy sản tăng 7%/năm; sản lượng lương thực hàng năm 920-950 nghìn tấn, giá trị sản phẩm trên 1ha canh tác đến năm 2015 đạt 85-90 triệu đồng, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2015 đạt 140-150 nghìn tấn, sản lượng thủy sản đạt 100-110 nghìn tấn; 96 xã đạt tiêu chuẩn NTM, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 22-23%/năm; giá trị các ngành dịch vụ tăng bình quân 12-13%/năm, tổng giá trị hàng xuất khẩu năm 2015 đạt 400-420 triệu USD, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 15-17%/năm, thu ngân sách năm 2015 đạt 2.200-2.300 tỷ đồng, tỷ lệ giảm sinh hàng năm 0,15-0,2%o, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt 60% tổng số lao động, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 1-2%. 6 nhóm giải pháp chủ yếu là: Phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; tăng cường thu hút các nguồn vốn xã hội đầu tư cho phát triển và tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; xây dựng bộ máy quản lý Nhà nước, phát huy dân chủ xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường phòng, chống tham nhũng, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Tỉnh kiến nghị, với kế hoạch năm 2011 đề nghị: Thủ tướng cho phép được thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ; đề nghị Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan tập trung bố trí vốn trong kế hoạch hằng năm; bổ sung vốn ngân sách Trung ương để đẩy nhanh các công trình xử lý cấp bách đê biển, PCLB; Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng sớm có quyết định xử lý đối với 10% tiết kiệm chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong năm 2011. Đối với kế hoạch năm 2012: đề nghị Thủ tướng và các bộ liên quan, giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển bằng trái phiếu Chính phủ; đề nghị Quốc hội, Thủ tướng cho bổ sung một số công trình hạ tầng cấp thiết có tính chất quyết định đến phát triển kinh tế - xã hội; Chính phủ bố trí vốn đầu tư cho 79,5km đường bộ ven biển, vốn cho nhà thi đấu đa năng 4.000 chỗ ngồi phục vụ đại hội TDTT toàn quốc; Chính phủ sớm giao chỉ tiêu đất cấy 2 vụ lúa cho tỉnh; sớm sửa đổi Luật Đất đai.

Kết quả thực hiện sử dụng đất giai đoạn 2006-2010: thu hồi 1.056,43ha để GPMB thực hiện các công trình dự án phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; một số loại đất tăng thêm: đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp 30,68ha, đất an ninh - quốc phòng 21,48ha, đất sản xuất - kinh doanh phi nông nghiệp 757,86ha…; tỉnh đã cho thuê 425,72ha cho các doanh nghiệp làm công nghiệp (KCN, CCN); đã đấu giá tổng số 18.588 lô đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 228,52ha. 5.596,33ha để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp. Dự kiến quy hoạch giai đoạn 2011-2020 với 2 phương án. Phương án 1, đến năm 2020: đất nông nghiệp 106.872,66ha, giảm 6.560,62ha so với năm 2010; đất trồng lúa 75.191,33ha, giảm 5.000,45ha so với năm 2010; đất phi nông nghiệp 56.603,63ha, tăng 9.109,24ha so với năm 2010. Phương án 2, tính toán quy hoạch đất lúa của toàn tỉnh đến năm 2020 ổn định khoảng 70.000ha. Dự kiến sử dụng đất 5 năm (2011-2015): đất ở 569,93ha; đất trụ sở kinh doanh, công trình sự nghiệp 41,63ha; đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp 2.464,47ha; đất công trình công cộng 1.980,27ha; đất di tích, danh thắng 6,56ha; đất nghĩa trang 81,29ha. 5 kiến nghị của tỉnh là: đề nghị Bộ TN và MT, Bộ NN và PTNT sớm thẩm định trình Chính phủ giao chỉ tiêu đất trồng lúa đến năm 2020 cho tỉnh; Chính phủ có chính sách hỗ trợ thoả đáng cho người nông dân trồng lúa đảm bảo an ninh lương thực; Bộ TN và MT trình Chính phủ có chủ trương chính sách đào tạo, bồi dưỡng, tăng cường cán bộ, bộ máy làm công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp tỉnh, huyện; Chính phủ có cơ chế tài chính cho công tác lập, điều chỉnh  quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt đối với tỉnh phải trợ cấp ngân sách.

Đoàn công tác của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị, báo cáo đầy đủ, chính xác các nội dung mà đoàn cần làm việc. Với những khó khăn của năm 2011, song tỉnh Nam Định vẫn duy trì đạt tốc độ tăng trưởng đúng kế hoạch, đạt trên 12%; thu ngân sách tăng, các mặt khác đều tăng khá. Năm 2012 và 5 năm tiếp theo, nhu cầu đầu tư phát triển của tỉnh là rất lớn để nâng cao đời sống cho nhân dân, nhất là vùng nông thôn, tỉnh cần tìm ra mũi đột phá để phát triển. Đoàn cũng ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của tỉnh để phản ánh với Quốc hội và lựa chọn đưa vào nghị quyết trong những kỳ họp Quốc hội tới.

* Trước đó, sáng 13-9-2011, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có buổi làm việc nghe tình hình sản xuất kinh doanh của Cty CP May Sông Hồng ./.

Tất Thắc Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com