Đánh giá kết quả công tác dồn điền đổi thửa giai đoạn 2002-2004 và kế hoạch triển khai nhiệm vụ giai đoạn tiếp theo

08:09, 02/09/2011

Ngày 31-8-2011, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) giai đoạn 2002-2004 và kế hoạch triển khai nhiệm vụ giai đoạn tiếp theo. Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí Uỷ viên Ban TVTU: Trần Lương Bằng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Chung, Bí thư Thành uỷ Nam Định; Phạm Văn Bằng, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ; Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Uỷ ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, Uỷ ban MTTQ, các đoàn thể của tỉnh và các huyện, thành phố.

Thực hiện Nghị quyết số 02 ngày 6-8-2002 của BCH Đảng bộ tỉnh về việc DĐĐT trong sản xuất nông nghiệp, với sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các ngành, đến cuối năm 2004 toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác DĐĐT. Bình quân số thửa/hộ đã giảm trên 50% (từ 6,98 thửa xuống còn 3,27 thửa/hộ). Đất công ích và đất quy hoạch được dồn đổi tương đối tập trung theo vùng và theo quy hoạch. Bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, diện tích đất trồng lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thuỷ sản, diện tích sản xuất cây vụ đông tăng lên đáng kể. Hiệu quả cho thuê đất công ích và đất nông nghiệp dành cho quy hoạch tăng lên rõ rệt. Cùng với DĐĐT, các địa phương đã lập hồ sơ cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nông nghiệp cho các hộ nông dân. Qua quá trình DĐĐT, sản xuất nông nghiệp càng phát triển, an ninh nông thôn ổn định và giữ vững... Tuy nhiên, thực tiễn DĐĐT vẫn còn một số tồn tại như: một số thôn, đội không thực hiện đúng phương án đã được duyệt, lập hồ sơ địa chính không đúng thực địa nên cấp GCNQSDĐ nông nghiệp sai lệch với thực tế; một số xã, huyện chưa tập trung cao, sợ va chạm nên kết quả còn hạn chế; việc quản lý, sử dụng quỹ đất công ích ở các xã, thị trấn nhỏ lẻ, phân tán, nhiều nơi UBND xã chưa quản lý hết quỹ đất này; quy hoạch sử dụng đất chưa phù hợp, không công khai theo quy định; việc chuyển đổi tự phát không theo quy hoạch, thiếu sự kiểm soát của các cấp chính quyền; công tác lập hồ sơ địa chính sau khi chuyển đổi ruộng đất ở một số xã đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Hội nghị triển khai cụ thể kế hoạch tiếp tục thực hiện DĐĐT trong sản xuất nông nghiệp với các nội dung chính: Tập trung hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất; khoanh vùng và định ra hệ số để đổi ruộng; dồn đổi lại quỹ đất công nhỏ lẻ ở các thửa đất trước đây thành từng vùng tập trung; xây dựng, phê duyệt phương án và tổ chức thực hiện DĐĐT; hoàn chỉnh hồ sơ địa chính. Kế hoạch quy định rõ từng cấp phải thực hiện: cấp tỉnh, cấp huyện và thành phố, cấp xã (thị trấn); các cơ quan đài, báo; các cấp uỷ Đảng, Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể... Để hoàn thành DĐĐT trong năm 2011 tại 30 xã, thị trấn làm trước rút kinh nghiệm; hoàn thành DĐĐT 70% số xã, thị trấn (trong đó có 96 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015) trong năm 2012 và 100% xã, thị trấn hoàn thành DĐĐT trong năm 2013. Phấn đấu 1 thửa/1 cánh đồng.

Kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định tiếp tục DĐĐT tạo điều kiện để nông dân sản xuất thuận lợi vừa nâng cao thu nhập, vừa thúc đẩy cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp và cũng là nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới để tạo ra vùng sản xuất hàng hoá tập trung, những cánh đồng chuyên canh. Sở NN và PTNT tham mưu cho tỉnh hỗ trợ mỗi xã 2 máy gặt đập liên hợp trong thời gian tới. Qua thực tế DĐĐT và kế hoạch của UBND tỉnh, các huyện, xã phải cụ thể hoá phù hợp với điều kiện của địa phương. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền thực hiện DĐĐT đúng luật, linh hoạt, các đoàn thể, MTTQ tuyên truyền vận động thành viên, hội viên tham gia. Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh mở chuyên mục toàn dân xây dựng nông thôn mới, trong đó nêu gương các địa phương làm tốt công tác DĐĐT, khẳng định DĐĐT vì quyền và lợi ích của nông dân. Thực hiện DĐĐT dân chủ, công khai từ thôn, đội; DĐĐT phải theo quy hoạch, kết hợp với khả năng đầu tư, kinh doanh của các hộ có điều kiện để phát triển sản xuất theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các địa phương phải xây dựng xong quy hoạch mới tổ chức DĐĐT. DĐĐT kết hợp với vận động nông dân hiến đất để xây dựng các công trình giao thông, thuỷ lợi, công trình phúc lợi theo hướng cơ giới hoá nông nghiệp. Kết quả DĐĐT là một trong những chỉ tiêu xét thi đua của các cấp, các ngành, các đơn vị từ nay đến năm 2013./.

Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com