Khẩn trương triển khai phòng chống dịch bệnh chân - tay - miệng

07:09, 05/09/2011

Ủy ban nhân dân tỉnh vừa có Công văn số 171/UBND-VP7 gửi các Sở: Y tế, GD và ĐT; các cơ quan truyền thông; UBND các huyện và thành phố. Nội dung như sau:

Bệnh chân - tay - miệng là một bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, đau miệng; loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi; phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.

Theo thông báo của Bộ Y tế, trong 8 tháng đầu năm 2011 cả nước đã có 32.588 trường hợp mắc bệnh chân - tay - miệng tại 52 tỉnh, thành phố, trong đó có 81 trường hợp tử vong; số người mắc bệnh có chiều hướng gia tăng, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía nam. Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Nam Định, từ ngày 23-5-2011 đến ngày 31-8-2011, trên địa bàn tỉnh đã có 71 trường hợp có biểu hiện nghi mắc bệnh chân - tay - miệng.

Trước tình hình trên, để chủ động triển khai các biện pháp nhằm phòng chống dịch bệnh chân - tay - miệng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân, UBND tỉnh yêu cầu:

1. Sở Y tế: Chỉ đạo hệ thống y tế tăng cường công tác giám sát; tham mưu kịp thời cho cấp uỷ, chính quyền các cấp tổ chức triển khai ngay hoạt động phòng chống dịch không để dịch bùng phát lan rộng, kéo dài. Hướng dẫn kỹ thuật tiệt trùng khử khuẩn các dụng cụ, đồ dùng học tập đảm bảo đúng kỹ thuật, hiệu quả.

Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dịch truyền, hoá chất... để đáp ứng cho công tác tiếp nhận, cấp cứu, điều trị khi có bệnh nhân, không để xảy ra bệnh nhân tử vong.

Các cơ sở điều trị củng cố đội cấp cứu cơ động, sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới trong xử lý, cấp cứu, điều trị chăm sóc bệnh nhân.

2. Sở GD và ĐT chủ động kết hợp với Sở Y tế tăng cường công tác tuyên truyền và giám sát công tác phòng chống dịch, chỉ đạo các trường mầm non và tiểu học nghiêm túc thực hiện những biện pháp sau:

- Thầy, cô giáo hoặc người hướng dẫn tại cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học tăng cường công tác giám sát phát hiện các cháu nghi ngờ mắc bệnh, báo cho gia đình, cơ sở y tế để xử lý kịp thời.

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: Vệ sinh răng miệng, rửa tay sạch và thường xuyên trước, sau khi nấu ăn, chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh, đặc biệt là mỗi lần thay tã cho trẻ.

- Làm sạch các dụng cụ, vật dụng thường xuyên tiếp xúc của trẻ, nhà vệ sinh bằng nước và xà phòng, sau đó lau bằng chloraminB 0,5% hàng ngày;

- Dụng cụ ăn uống như bát, đũa, cốc: Ngâm, tráng nước sôi trước khi ăn, sử dụng.

- Thường xuyên làm thông gió lớp học.

3. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định phối hợp với Sở Y tế thường xuyên tuyên truyền, đưa tin kịp thời, chính xác để mọi người dân nhận thức đúng về sự nguy hiểm của bệnh dịch và biết cách tự giác và chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa.

4. UBND các huyện, thành phố, các ban, ngành có liên quan căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, khẩn trương triển khai công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, kiên quyết không để dịch xảy ra và lan rộng.

UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các cơ quan chức năng có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc, thường xuyên báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Sở Y tế)./.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com