Sáng 21-9-2011, UBND tỉnh phối hợp với Bộ VH, TT và DL tổ chức hội thảo khoa học “Luận cứ khoa học tổ chức kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định”. Đến dự hội thảo có các đồng chí: Phạm Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban TVTU: Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Văn Chung, Bí thư Thành ủy Nam Định; Ngô Quang An, Giám đốc Sở KH và ĐT; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện các cục, vụ, viện (Bộ VH, TT và DL). Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo cổ, sưu tầm các giá trị di tích lịch sử - văn hóa Trần, là một trong những căn cứ khoa học để Chính phủ phê duyệt và đầu tư thực hiện Dự án Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa Trần giai đoạn 2005-2015. Đồng chí nhấn mạnh: Kết quả của cuộc hội thảo không chỉ góp phần đưa ra các căn cứ khoa học cho kế hoạch kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định của tỉnh, mà còn góp phần khẳng định và làm sáng tỏ thêm những giá trị lịch sử - văn hóa mang bản sắc của quê hương Nam Định.
Tại hội thảo, 16 tham luận của các nhà khoa học đã tập trung làm sáng tỏ vai trò, vị thế của vùng đất Thiên Trường trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước của nước Đại Việt thế kỷ XIII-XIV; cơ sở nền tảng để hình thành và phát triển của Nam Định hiện nay. Các nguồn sử liệu được dẫn ra tại hội thảo đã khẳng định: từ tháng 2 năm 1262, Tức Mặc - Thiên Trường chính thức là đơn vị hành chính trọng yếu, quản lý cả một vùng rộng lớn, trung tâm là khu cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa. Từ đây địa danh Thiên Trường đi vào lịch sử - văn hoá dân tộc, đóng góp trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc nhiều tư tưởng, đạo đức, tôn giáo, mỹ thuật, văn học… phong phú và sâu sắc.
Các tham luận cũng đề cập đến một số vấn đề, giải pháp quan trọng đối với việc bảo vệ di sản văn hóa thời Trần ở Nam Định. Từ năm 2005, quần thể khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tại tỉnh Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đến năm 2015 (Quyết định 252/2005/QĐ-TTg). Vì vậy, cần kiểm kê khoa học di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến thời Trần, bao gồm các biểu đạt liên quan đến ngôn ngữ và truyền thống truyền khẩu; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội, nghi lễ và lễ hội; nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian. Đồng thời, cần nhận diện các giá trị văn hóa đó dưới góc độ di sản, chỉ ra di sản đã được hình thành, sáng tạo từ thời Trần và được cộng đồng tiếp tục sáng tạo, trao truyền và duy trì nó cho đến ngày nay. Một số di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, quan trọng và có tính đại diện của cộng đồng cư dân tỉnh Nam Định cần được nghiên cứu, bảo vệ và lập hồ sơ khoa học để ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần và những tập quán, nghi lễ và lễ hội có liên quan; nghệ thuật hát Chầu văn và tập quán, tín ngưỡng có liên quan. Để tiến tới lập hồ sơ đề nghị công nhận quần thể di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tại tỉnh Nam Định là di sản văn hóa thế giới; bảo vệ khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần ở cấp độ quốc tế, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục làm sáng tỏ những giá trị nổi bật của di sản vật thể về chứng cứ lịch sử thời Trần; quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ đủ điều kiện và thích ứng với việc bảo vệ di sản; xây dựng bộ máy quản lý và tổ chức kế hoạch quản lý bảo vệ xứng đáng với tầm cỡ và yêu cầu của di sản; có chiến lược và chính sách khai thác giá trị di sản phục vụ du lịch đảm bảo điều kiện bảo tồn di sản.
Phát biểu kết thúc hội thảo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn những ý kiến, tham luận của các nhà khoa học và đánh giá cao ý nghĩa khoa học của hội thảo, góp phần đưa ra các căn cứ khoa học nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa quê hương. Đồng chí nhấn mạnh: Việc tổ chức hội thảo nói riêng và các hoạt động tổ chức kỷ niệm “750 năm Thiên Trường - Nam Định”, đón nhận quyết định công nhận Thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh là một nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh; thể hiện tình cảm, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với các thế hệ cha ông đã có công dựng nước, giữ nước, đồng thời là dịp để tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, các giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương Nam Định với nhân dân cả nước và du khách nước ngoài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương./.
Tin, ảnh: Việt Thắng