Hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết 1 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020”

08:07, 01/07/2011

Ngày 30-6-2011, UBND tỉnh tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết 1 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020”. Đồng chí Bùi Đức Long, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các Sở: LĐ-TB và XH, NN-PTNT, Tài chính, Nội vụ, GD-ĐT, KH-ĐT, Công thương, TT-TT; lãnh đạo các huyện, thành phố tại các điểm cầu trực tuyến.

Năm 2010, thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 16/CT-TU của Ban TVTU về việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo Đề án 1956, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai, thực hiện các nội dung của đề án. Trước ngày 10-5-2010, tỉnh ta đã hoàn thành công tác điều tra, khảo sát về nhu cầu đào tạo nghề, đào tạo cán bộ công chức cấp xã và thực trạng các cơ sở đào tạo nghề. Trong đó, tổ chức điều tra 1.623/3.699 thôn, xóm;  212/229 xã, phường, thị trấn; 243.450/554.084 hộ dân (đạt 44%)  và 2.070/3.300 doanh nghiệp, cơ sở SXKD. Qua điều tra, số lao động có nhu cầu học nghề hơn 108 nghìn người, trong đó học nghề dưới 3 tháng là 48.973 người, sơ cấp nghề 50.655 người, trung cấp nghề 7.160 người, cao đẳng nghề 1.363 người. Nhu cầu sử dụng lao động đã qua đào tạo nghề là 62.720 lao động, trong đó cao nhất là nhóm ngành công nghiệp với 32.640 lao động. Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề của người lao động trong tỉnh, ngày 24-6-2010, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1220/QĐ-UBND phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020”: Đào tạo nghề cho 271.000 người ở cả 3 cấp; trong đó số người được hưởng thụ từ chính sách của Quyết định 1956 là 135.000 người; số cán bộ công chức xã, phường được đào tạo bồi dưỡng là 54.300 người; tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 990 tỷ đồng. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 11/2010/QĐ-UBND và Quyết định số 03/2011/QĐ-UBND về việc “Quy định mức hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định theo Quyết định số 1956”. Năm 2010, toàn tỉnh có 21.447 lao động nông thôn được học nghề ở các cấp. Trong đó có 5.573 lao động được học nghề ngắn hạn miễn phí. Số người lao động có việc làm sau khi đào tạo đạt trên 85%, với mức thu nhập từ 1,2 đến 1,8 triệu đồng/người/tháng. Đến ngày 30-6-2011, toàn tỉnh đã tổ chức được 70 lớp dạy nghề cho 2.260 lao động, trong đó tổ chức dạy nghề ở 33/96 xã điểm xây dựng nông thôn mới với số lao động học nghề là 1.535 người. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 1.886 cán bộ công chức xã, phường.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận những kết quả của các địa phương trong quá trình triển khai đề án. Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và người lao động đã nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của dạy nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển nguồn nhân lực, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Xác định vai trò của cấp xã từ việc công khai quy hoạch, tư vấn cho người lao động, xác định nghề cần đào tạo, đến việc tổ chức dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, sử dụng lao động hoặc bao tiêu sản phẩm và việc làm của người dân sau đào tạo nghề. Thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn; xây dựng sự gắn kết giữa địa phương, cơ sở đào tạo và cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, quá trình triển khai đề án còn một số khó khăn và hạn chế: Nhận thức của một số ít lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền về trách nhiệm trong tổ chức dạy nghề cho người lao động chưa đầy đủ. Một số ban, ngành chưa thực sự vào cuộc dẫn đến việc tổ chức triển khai chưa đồng bộ. Tại một số xã, chưa xác định được cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nên chưa xác định được nghề cần đào tạo, chưa tư vấn được cho người dân học nghề. Đối với các cơ sở dạy nghề, cơ sở vật chất còn khó khăn, thiếu giáo viên, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường, chưa thu hút được người học nghề. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề có nơi còn thiếu chặt chẽ. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi cơ bản nhận thức của các cấp, các ngành và của toàn xã hội về việc học nghề là điều kiện để tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2011, trong đó tập trung dạy nghề cho lao động nông thôn thuộc 96 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới và lao động nông thôn thuộc 3 xã phải thu hồi đất của huyện Vụ Bản. Phấn đấu có ít nhất 85% lao động sau khi học nghề có việc làm và thu nhập ổn định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí, tổ chức thực hiện kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn và đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức xã./.

Khánh Ngọc

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com