Ngày 14-6-2011, đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã về thăm và kiểm tra kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến 2010 và định hướng đến năm 2020 tại tỉnh ta. Cùng đi với đồng chí Trương Tấn Sang có các đồng chí lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch - Đầu tư, Giao thông - Vận tải, Tài chính, Công thương, Xây dựng, VH-TT và DL, GD-ĐT, Quốc phòng… Đón tiếp và làm việc với đồng chí Trương Tấn Sang và Đoàn công tác của Trung ương có các đồng chí: Phạm Hồng Hà, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban TVTU, lãnh đạo Thành phố Nam Định và một số sở, ban, ngành có liên quan.
Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và Đoàn công tác Trung ương chụp ảnh với các đồng chí lãnh đạo tỉnh.
Ảnh:
Thu Hà
|
Tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã báo cáo với đồng chí Trương Tấn Sang và Đoàn công tác của Trung ương về tình hình thực hiện Nghị quyết 54 tại tỉnh Nam Định trong 5 năm qua. Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết, Ban TVTU đã xây dựng kế hoạch triển khai quán triệt và thực hiện Nghị quyết 54 trong toàn tỉnh. Trên cơ sở Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Quyết định 109/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2020 và cụ thể hoá thành các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của tỉnh; trong đó có Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng TP Nam Định trở thành Trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội vùng Nam đồng bằng sông Hồng, Kế hoạch số 06 của UBND tỉnh về thực hiện Quyết định 109 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh. Kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, tình hình KT-XH của tỉnh đã có nhiều chuyển biến, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 10,7%/năm, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực,
đến năm 2010 tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm 70,5%, giá trị sản xuất công nghiệp bình quân tăng 20,7%/năm, sản xuất nông nghiệp ổn định và bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất nông sản hàng hoá có quy mô vừa gắn với bảo quản, chế biến sản phẩm nông sản. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội được quan tâm và tiếp tục có bước phát triển. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân cơ bản ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 6%. An ninh chính trị, TTATXH được giữ vững. Về công tác quy hoạch, đầu tư phát triển trong 5 năm số vốn đầu tư cho phát triển đạt khoảng 37 nghìn 400 tỷ đồng, gấp 3 lần so với giai đoạn 2001-2005 (riêng về vốn đầu tư được ngân sách TW hỗ trợ theo Nghị quyết 54 trong 4 năm 2007-2011 là 486 tỷ đồng). Tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng một số công trình quan trọng như đường vành đai nối Quốc lộ 21, Quốc lộ 10 và cầu vượt sông Đào, đường 51B Lạc Quần - Quất Lâm, Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Bảo tàng Nam Định, đầu tư hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp, các bệnh viện, trường học… Hiện đang tiếp tục triển khai xây dựng một số công trình trọng điểm như tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý, Quốc lộ 21 Nam Định - Thịnh Long, tỉnh lộ 490C, Khu Di tích Lịch sử Văn hoá Trần, Bệnh viện đa khoa 700 giường… Về việc xây dựng TP Nam Định trở thành Trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể và phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng thành phố đến năm 2025. Hiện nay, tỉnh đang hoàn thiện Đề án đề nghị công nhận TP Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8-2011. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, KT-XH của tỉnh tuy có bước phát triển khá rõ nét song so với yêu cầu vẫn còn một số hạn chế, vẫn chưa tạo được sự bứt phá lớn, khoảng cách về tốc độ phát triển kinh tế giữa Nam Định và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ còn khá lớn. Thành phố Nam Định vẫn chưa thể hiện được một cách nổi bật vai trò là Trung tâm hạt nhân của tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Lĩnh vực xã hội còn một số khó khăn, bức xúc như đời sống, việc làm, TNXH, ô nhiễm môi trường, chất lượng khám chữa bệnh… Để thực hiện có hiệu quả những định hướng trong Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, tạo sự bứt phá mạnh hơn cho sự phát triển KT-XH của tỉnh trong những năm tới, tỉnh Nam Định mong muốn Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, các bộ, ngành TW tiếp tục giành sự quan tâm, giúp đỡ giải quyết những khó khăn, vướng mắc; trong đó Chính phủ sớm phê duyệt Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ với các dự án cốt lõi là Nhà máy nhiệt điện 2.400 MW, cụm cảng biển, tổng kho dầu khí, phát triển công nghiệp đóng tàu, công nghiệp chế biến, phát triển du lịch… Tập trung đầu tư sớm một số công trình kết cấu hạ tầng then chốt của toàn vùng một cách đồng bộ như tuyến đường ven biển từ Thanh Hoá tới Quảng Ninh, các điểm vượt sông Hồng, sông Đáy; tuyến Quốc lộ 38C nối 5 tỉnh Hải Dương - Hưng Yên - Nam Định - Hà Nam - Ninh Bình, tuyến đường sắt Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. Quan tâm đầu tư để TP Nam Định sớm trở thành Trung tâm của tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng; trong đó sớm công nhận TP Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh trong năm 2012, bố trí vốn để tạo điều kiện hoàn thành dứt điểm một số công trình quan trọng như Bệnh viện đa khoa 700 giường, Khu Di tích Lịch sử Văn hoá Trần, kè nam sông Đào… Bên cạnh đó cần có cơ chế quản lý cấp vùng một cách đồng bộ, thống nhất trên các lĩnh vực, như: xây dựng quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng, bảo vệ tài nguyên môi trường.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Tấn Sang đánh giá cao những kết quả tỉnh Nam Định đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song tỉnh Nam Định đã huy động được sức mạnh tổng hợp, tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành TW, chủ động nắm bắt và tạo dựng thời cơ, tạo ra bước phát triển mới về KT-XH, rút ngắn dần khoảng cách về phát triển kinh tế so với trình độ chung của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có sự phát triển hợp lý, nguồn vốn đầu tư tăng trưởng khá, cơ sở hạ tầng đã có sự thay đổi đáng kể. Tuy nhiên sự phát triển đó chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh và với yêu cầu thực tế. Vì vậy thời gian tới, tỉnh cần bám sát các định hướng lớn nêu trong Nghị quyết 54 để xây dựng các mục tiêu trọng điểm, đề ra các giải pháp cụ thể, sát thực nhằm phát huy hơn nữa nội lực, các tiềm năng lợi thế của tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo ra sức hút đầu tư trong phát triển KT-XH. Đồng chí cũng nhất trí cao với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh và đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành TW quan tâm giúp đỡ tỉnh khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54; trong đó tiếp tục đầu tư xây dựng TP Nam Định sớm trở thành Trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng, trước mắt là việc xét công nhận TP Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2012. Tập trung đầu tư nguồn lực hoàn thành các công trình trọng điểm như Bệnh viện đa khoa 700 giường, tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý… Triển khai kế hoạch xây dựng tuyến đường ven biển từ Thanh Hoá đến Quảng Ninh, tuyến đường sắt Nam Định - Hải Phòng… tạo cơ hội thuận lợi để Nam Định bứt phá, vươn lên trong những năm tới.
Trong chuyến công tác tại tỉnh ta, đồng chí Trương Tấn Sang và Đoàn công tác của TW đã đi khảo sát một số công trình, dự án trọng điểm, như kiểm tra vị trí xây dựng tuyến đường ven biển gắn với Khu kinh tế Ninh Cơ, thăm trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, thăm Cty cổ phần Dệt may Sơn Nam, trồng cây lưu niệm tại Bảo tàng tỉnh./.
Hoài Phương