Điện:
- Chủ tịch UBND các huyện, thành phố;
- Thủ trưởng các Sở, ngành: NN-PTNT, Y tế, Công thương, Giao thông - Vận tải, Công an tỉnh, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường.
Theo thông báo của Cục Thú y hiện nay trên địa bàn cả nước còn 20 tỉnh có dịch lở mồm long móng (LMLM) gia súc; 6 tỉnh có dịch cúm gia cầm; 2 tỉnh có dịch Tai xanh ở lợn chưa qua 21 ngày.
Trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2011 đến nay dịch cúm gia cầm xảy ra tại 5 xã thuộc 3 huyện: Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực số gia cầm tiêu hủy là 8.593 con; dịch LMLM gia súc phát sinh tại 6 xã thuộc 4 huyện: Giao Thủy, Nam Trực, Xuân Trường, Trực Ninh làm 13 trâu, bò và 75 lợn mắc bệnh.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tiến độ tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc vụ Xuân năm 2011 còn chậm và đạt kết quả thấp so với kế hoạch (KH), cụ thể: đàn lợn tiêm được 116.748 con đạt 40,3% KH; đàn trâu, bò tiêm vắc xin LMLM được 13.395 con đạt 35,5% KH; đàn chó tiêm được 39.210 con đạt 24,5% KH. Đặc biệt, hiện tại thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa ảnh hưởng tới sức khỏe vật nuôi; dịch cúm gia cầm có chiều hướng bùng phát trở lại trong khi việc cung ứng vắc xin đang gặp khó khăn; dịch LMLM đang diễn biến phức tạp; đồng thời quy luật phát sinh dịch Tai xanh ở lợn thường xảy ra vào cuối tháng 4, do vậy nguy cơ phát sinh các dịch bệnh trên tại tỉnh ta là rất cao.
Để chủ động ngăn chặn kịp thời các ổ dịch mới sinh và không để dịch lây lan, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu: Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các Sở, ngành liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 365/CT-TTg ngày 10-4-2011 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 13/ CĐ-BNN-TY ngày 14-4-2011 của Bộ NN-PTNT về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, trong đó thực hiện cấp bách một số biện pháp sau:
1. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát lại kết quả tiêm phòng vắc xin vụ Xuân để tiêm bổ sung ngay cho toàn bộ gia súc chưa được tiêm phòng nhất là những địa phương có tỷ lệ tiêm phòng thấp và các địa phương đã xảy ra dịch.
2. Hiện nay đã có vắc xin LMLM các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức tiêm phòng ngay cho 100% đàn trâu, bò, dê, lợn nái ngoại, lợn đực giống.
3. Tăng cường công tác giám sát dịch tới tận hộ chăn nuôi. Khi phát hiện gia súc, gia cầm ốm, chết bất thường phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y để có biện pháp xử lý kịp thời, không giấu dịch, không bán chạy, không vứt xác gia súc, gia cầm chết ra ngoài môi trường.
4. Các ngành Công an, Quản lý thị trường phối hợp với lực lượng thú y tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm, không cho phép nhập gia súc, gia cầm từ nơi đang có dịch vào địa phương và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.
5. Tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Con giống nhập vào nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm đầy đủ các loại vắc xin; tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, người ra vào để diệt mầm bệnh tồn tại trong môi trường.
6. Địa phương nào chủ quan, lơ là không chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, để dịch xảy ra làm ảnh hưởng tới sản xuất thì người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Sở NN-PTNT gửi báo cáo tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đến các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh để phối hợp chỉ đạo tại dịa bàn đã phân công.
Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các Sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện tốt các nội dung trên và báo cáo thường xuyên tình hình dịch bệnh về UBND tỉnh (qua Sở NN-PTNT)./.
PHÓ CHỦ TỊCH
Đoàn Hồng Phong