Triển khai các biện pháp cấp bách chăm sóc, bảo vệ lúa xuân năm 2011

09:04, 11/04/2011

Ngày 8-4-2011, Sở NN-PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp cấp bách chăm sóc, bảo vệ lúa xuân năm 2011.

Từ sau cấy đến nay, thời tiết diễn biến bất thường, nhất là đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 15 đến 18-3-2011 làm 19.600ha lúa xuân bị chết rét rải rác phải dặm tỉa; trong đó 202ha tỷ lệ lúa chết trên 50%; 262ha tỷ lệ lúa chết 30-50%; 2.500ha tỷ lệ lúa chết 10-30% và 16.600ha tỷ lệ lúa chết 5-10%... và khoảng 70% diện tích lúa xấu, tập trung ở các huyện phía nam tỉnh và những diện tích gieo cấy muộn sau ngày 25-2. Mặc dù, Sở NN-PTNT và các huyện, Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhưng đến nay lúa sinh trưởng, phát triển rất chậm... Trong thời gian tới, thời tiết có khả năng còn diễn biến bất thường, khô hạn, các đối tượng sâu bệnh, dịch hại có nguy cơ bùng phát, đặc biệt hiện tại trên địa bàn tỉnh còn nhiều diện tích lúa xuân phát triển chậm, một số diện tích lúa xấu sẽ không cho thu hoạch nếu không có các biện pháp chăm sóc phù hợp, kịp thời. Để bảo vệ lúa xuân, hội nghị thống nhất các biện pháp tập trung chỉ đạo trong thời gian tới là: Thường xuyên bảo đảm mực nước nông trong ruộng để dưỡng và chăm sóc lúa. Kiên quyết không để diện tích nào bị hạn, úng, nhất là đối với những diện tích lúa còn xấu, những diện tích vùng bị ảnh hưởng mặn. Các Cty TNHH một thành viên KTCTTL bằng mọi biện pháp, khẩn trương khoanh vùng, khai thác và điều tiết đủ nguồn nước tới cuối các kênh cấp II; những vùng khó khăn cần chủ động hỗ trợ tiền dầu cho các xã, HTX chạy máy bơm nước dưỡng lúa. Các huyện, Thành phố tập trung chỉ đạo các xã, HTXNN chủ động liên hệ với các Cty TNHH một thành viên KTCTTL để lấy nước kịp thời cho các vùng khó khăn. Hoàn thành bón thúc phân đợt II cho 100% diện tích với lượng phân phải bảo đảm 3-4kg đạm urê và 3kg kali cho mỗi sào ruộng cấy. Đồng thời làm cỏ sục bùn cho lúa. Đối với diện tích lúa xấu, sinh trưởng chậm và những diện tích lúa có biểu hiện nghẹt rễ cần phun bổ sung chế phẩm, phun qua lá hoặc các chế phẩm kích thích ra rễ, kích thích đẻ nhánh như: KH, NH, K-Humat, song tuyệt đối không sử dụng các loại phân qua lá hay chế phẩm có chứa GA3. Đến trung tuần tháng 4-2011, những diện tích lúa còn xấu và những diện tích lúa đẻ nhánh kém cần tiếp tục bón bổ sung 2-3kg đạm và 1-2kg kali cho mỗi sào. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, phân loại các trà lúa để có biện pháp chăm sóc bổ sung phù hợp; tăng cường điều tra, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh để có biện pháp chỉ đạo phòng, trừ kịp thời. Thông qua các hệ thống truyền thanh, phát thanh của huyện, xã để tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nông dân về các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ lúa. Tích cực vận động nông dân ra đồng thực hiện các biện pháp thâm canh lúa mùa./.

Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com