Tổng kết dự án trồng mới 5 triệu ha rừng

08:04, 29/04/2011

Ngày 27-4-2011, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chủ trì hội nghị. Ở tỉnh ta, đồng chí Bùi Đức Long, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và các thành viên trong Ban Điều hành dự án của tỉnh tham dự.

Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, qua 13 năm thực hiện, với tổng số vốn đầu tư gần 32 nghìn tỷ đồng, cả nước đã trồng được 2,45 triệu ha rừng và hơn 1,28 triệu ha rừng đã và đang được khoanh nuôi, đưa tổng diện tích gây trồng mới là 3,73 triệu ha, độ che phủ rừng tăng từ 32% (năm 1998) lên 39,5% (năm 2010). Môi trường sinh thái được cải thiện, nhiều nơi nguồn thuỷ sinh được cải thiện đáng kể. Dự án đã tạo việc làm và thu nhập cho gần 4,7 triệu người, chủ yếu là đồng bào dân tộc, miền núi, vùng cao; tạo ra vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gỗ, giấy và các sản phẩm lâm đặc sản khác; góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ tăng từ 209 triệu USD năm 2000 lên 1,57 tỷ USD năm 2005 và 3,55 tỷ USD năm 2010. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tăng từ 400 nghìn m3 gỗ năm 1998 lên 4,5 triệu m3 gỗ năm 2010.

Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chương trình bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2015 là: Tiếp tục quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả bền vững, nâng độ che phủ rừng đạt 42-43% vào năm 2015; đảm bảo cung cấp gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ. Thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn sinh học, quy hoạch 3 loại rừng, giao rừng, đất nông nghiệp, giảm 50% số vụ và diện tích khai thác gỗ, lâm sản trái pháp luật, cùng với quản lý tốt việc chuyển đổi rừng, đất rừng sang mục đích khác. Cả nước phấn đấu đến năm 2015 trồng mới 450 nghìn ha, trồng lại 600 nghìn ha rừng sau khi khai thác và khoanh nuôi tái sinh thành rừng 450 nghìn ha, dự kiến tổng vốn đầu tư trên 24,8 nghìn tỷ đồng. 8 giải pháp được triển khai thực hiện giai đoạn 2011-2015 là: Tăng cường quản lý Nhà nước về rừng; bảo vệ rừng; phát triển rừng; đổi mới lâm trường quốc doanh; tăng cường khoa học công nghệ, khuyến lâm, đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chính sách thu hút đầu tư trong nước; chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài...

Triển khai chương trình ở tỉnh ta đến hết năm 2010, diện tích trồng rừng phòng hộ tập trung đạt 1.494ha, trong đó 850ha rừng được trồng mới, đạt 100% diện tích; độ che phủ rừng đạt 43,3%. Rừng phòng hộ đã tạo ra các đai rừng chắn sóng, bảo vệ đê biển, đê sông; cải thiện môi trường cho nuôi trồng thuỷ sản, du lịch sinh thái vùng ven biển; ngăn bụi, giảm tiếng ồn, điều hoà không khí ở các khu vực đô thị. Tỉnh đã quy hoạch đất lâm nghiệp đến năm 2020 là 11.099,7ha; quy hoạch rừng đặc dụng (Vườn quốc gia Xuân Thuỷ) là 7.100ha; quy hoạch rừng phòng hộ 3.710,6ha; quy hoạch rừng sản xuất là 290,3ha. Tập trung bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng; trồng mới 1.492,2ha; khoanh nuôi kết hợp trồng bổ sung 790ha; mỗi năm trồng bình quân 450 nghìn cây phân tán...

Kết luận hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ khẳng định: Thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trong 13 năm qua đã nâng cao được độ che phủ rừng, tác động của rừng trồng đã làm môi trường tốt hơn. Song thực tế độ che phủ rừng còn thấp; đất trống, đồi núi trọc còn nhiều, với 2,7 triệu ha chưa được trồng. Chất lượng rừng chưa cao, rừng sản xuất chưa được quy hoạch. Công tác quản lý Nhà nước về rừng còn hạn chế. Trong thời gian tới cần tập trung để tiếp tục hoàn thiện chương trình trồng rừng với kế hoạch 10 năm (2011-2020), được chia làm 2 giai đoạn: 2011-2015, 2015-2020; bảo vệ rừng kết hợp với trồng mới, gắn với chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, xây dựng NTM; nâng cao hơn nữa nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng trong toàn dân. Nâng cao độ che phủ rừng, không để đất trống, đồi núi trọc; chất lượng rừng trồng. Tập trung làm tốt công tác quy hoạch rừng; giao đất rừng, tìm chủ rừng; tăng cường quản lý Nhà nước về rừng; hoàn thiện chính sách đối với người tham gia trồng, bảo vệ rừng; chính sách huy động nguồn lực cho trồng, bảo vệ rừng. Đẩy mạnh phong trào trồng cây phân tán, “xanh” hoá trường học, công sở, đô thị, nông thôn./.

Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com