Hội nghị trực tuyến toàn quốc về xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

10:04, 04/04/2011

Sáng 2-4-2011, Chính phủ tổ chức cuộc họp trực tuyến toàn quốc để đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Quyết định 64/2004/QĐ-TTg ngày 22-4-2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ÔNMTNT). Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị. Tham dự cuộc họp, tại tỉnh ta có đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Xây dựng, Y tế, Giao thông Vận tải, Công an tỉnh,Văn phòng UBND tỉnh dự hội nghị.

Sau 8 năm thực hiện Quyết định 64, các cấp, các ngành, địa phương trong cả nước đã triển khai các biện pháp xử lý triệt để 338 cơ sở  trong danh mục 439 cơ sở gây ÔNMTNT thuộc giai đoạn 1, đạt 77% kế hoạch, 101 cơ sở còn lại đang triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm ở các mức độ khác nhau. Như vậy, việc thực hiện Quyết định 64 chưa hoàn thành tiến độ đề ra. Trong khi đó số cơ sở thuộc diện ÔNMTNT  phát sinh cần xử lý trong thời gian tới là 3.856 cơ sở. Tại tỉnh Nam Định, có 6 cơ sở nằm trong danh sách thực hiện Quyết định 64 là: Tổng Cty cổ phần dệt may Nam Định, Cty cổ phần Dệt lụa Nam Định, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bãi chôn lấp rác Lộc Hòa do Cty TNHH một thành viên Môi trường đô thị quản lý, Cty cổ phần Dây lưới thép Nam Định và Kho thuốc bảo vệ thực vật thuộc Cty Thuốc sát trùng Việt Nam quản lý. Đến nay 3 cơ sở: Cty cổ phần Dây lưới thép Nam Định, Bãi chôn lấp rác Lộc Hòa, Kho thuốc bảo vệ thực vật đã hoàn thành việc xử lý triệt để theo quy định, được xóa khỏi danh sách Quyết định 64. Đối với Bệnh viện đa khoa tỉnh đã xây lò đốt chất thải y tế, đi vào hoạt động từ năm 2004 và xây dựng xong hệ thống thu gom, xử lý rác thải năm 2010, đang trong giai đoạn chạy thử. Hiện bệnh viện đang chuẩn bị các thủ tục đề nghị ra khỏi danh sách thực hiện Quyết định 64. Cty cổ phần Dệt lụa Nam Định đã tiến hành lập dự án xây dựng hệ thống xử lý chất thải nhưng ngày 16-11-2005 được Bộ Công nghiệp phê duyệt di dời nhà máy ra KCN Hòa Xá nên Cty đã dừng triển khai xây dựng hệ thống xử lý chất thải ở vị trí cũ, chỉ tăng cường biện pháp quản lý, xử lý để giảm thiểu ô nhiễm. Đến nay, Cty đã được giao đất, cơ bản hoàn thành việc xây dựng nhà xưởng ở vị trí mới, quý II-2011 sẽ di dời xong nhà máy nhuộm, từ 2011-2012 sẽ di dời xong nhà máy sợi và nhà máy dệt. Đối với Tổng Cty cổ phần dệt may Nam Định, năm 2005 Cty được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công nghiệp phê duyệt di dời ra KCN Hòa Xá. Cty đã tăng cường biện pháp quản lý, xử lý giảm thiểu ô nhiễm tại vị trí cũ. Tuy nhiên việc di dời nhà máy ra KCN chậm tiến độ, dự tính hết quý III-2011 mới di dời nhà máy nhuộm và nhà máy động lực và đến năm 2015 mới di dời toàn bộ.

Qua thảo luận, đóng góp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương cho thấy các nguyên nhân gây khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình chủ yếu do: Việc triển khai các chế độ chính sách hỗ trợ cơ sở thực hiện xử lý ÔNMTNT, nhất là cơ chế về đất đai còn quá chậm; một số địa phương còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Trung ương, các cơ sở thực hiện còn nhiều khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn vay, mức phạt trong xử lý vi phạm còn thấp chưa tạo được tính răn đe…

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: Công tác quản lý Nhà nước về BVMT ở các cấp còn chưa có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả, thiếu các chế tài đủ mạnh nên còn tình trạng phát sinh 3.856 cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng mới. Yêu cầu các đơn vị, địa phương nghiêm túc kiểm điểm công tác quản lý, thực hiện Quyết định 64. Từ nay đến năm 2020, kiên quyết thực hiện hai mục tiêu lớn là xử lý dứt điểm các cơ sở đang gây ÔNMTNT và không để phát sinh cơ sở mới. Thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường phải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác thể chế, đánh giá toàn diện, hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành hỗ trợ công tác xử lý, kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn phù hợp với yêu cầu mới về BVMT; tăng cường thanh tra, kiểm tra bảo đảm nguồn lực và chế tài đủ mạnh, đủ  sức răn đe hành vi vi phạm. Tất cả các ngành, địa phương phải tham gia hướng dẫn đầy đủ các luật định, phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa đa dạng nguồn lực xử lý ô nhiễm, nghiên cứu sửa đổi cơ chế cho vay vốn từ Quỹ BVMT, thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính khẩn trương đánh giá hiệu quả một số cơ chế, chính sách hỗ trợ hiện hành, phối hợp lồng ghép hoặc đưa lên chương trình mục tiêu quốc gia về xử lý ô nhiễm môi trường thuộc khu vực công ích./.

Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com