Ngày 30-3-2011, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) năm 2010, triển khai nhiệm vụ PCLB-TKCN năm 2011. Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Năm 2010, toàn tỉnh đã xây mới 15 cống qua đê, hoàn thành dự án duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp đê điều, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố. Các địa phương trong tỉnh đã tu sửa, nạo vét 35 cửa cống, 151 bể hút, 13.034 kênh các cấp, 1.857 bờ vùng, kiên cố 66 kênh với khối lượng đào đắp hơn 3,6 triệu m3 đất, đạt 112,3% kế hoạch. Khởi công thực hiện dự án xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại cửa sông Ninh Cơ (Nghĩa Hưng), với diện tích 30ha, bảo đảm cho 600 tàu cá neo đậu, tránh trú bão an toàn. Phát hiện, xử lý kịp thời 33 sự cố hư hỏng của công trình đê điều với kinh phí gần 8 tỷ đồng, trong đó 4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh. Triển khai nhiệm vụ công tác PCLB-TKCN năm 2011, ban chỉ đạo PCLB-TKCN tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương chủ động các phương án hộ đê, bảo đảm chống được mức lũ tương ứng mực nước thiết kế tại Hà Nội là 13,1m đối với sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ; mức lũ tương ứng với mực nước thiết kế tại Ninh Bình là 4,6m đối với đê sông Đáy. Đối với tuyến đê biển chống được bão cấp 9 gặp triều tần suất 5% (mực nước tại Văn Lý dương 2,29m). Những đoạn đê đã được tu bổ, nâng cấp theo hướng vững chắc (gần 33km) chống được bão cấp 10, gặp triều tần suất 5%. Vùng phía bắc tỉnh chống úng được với trường hợp mức lũ ngoài sông nhỏ hơn báo động 3, nguồn điện bảo đảm ổn định. Vùng phía nam tỉnh, trường hợp mưa 3 ngày liên tiếp với lượng mưa nhỏ hơn 200mm, bảo đảm an toàn cho 100% diện tích lúa mùa; lượng mưa từ 200 đến 250mm, bảo đảm an toàn cho 70 nghìn ha lúa mùa trở lên; lượng mưa trên 250mm, bảo đảm an toàn cho 64 nghìn ha lúa mùa trở lên. Các huyện, thành phố dự trữ khoảng 58 nghìn m3 đá hộc, đá dăm; 5.755 bộ rọ thép; 41.496m2 vải lọc; 547.113 bao ni-lon, 193.016m2 bạt chống tràn; huy động 140 người tham gia lực lượng quản lý đê nhân dân… Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã đề ra các giải pháp cụ thể, giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, các đoàn thể và các huyện, thành phố chuẩn bị các điều kiện về vật tư, kinh phí, nguồn nhân lực… nhằm chủ động PCLB, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mưa bão gây ra.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2011, mưa bão có khả năng diễn biến phức tạp. Các ngành, các địa phương cần rà soát, xác định cụ thể các trọng điểm PCLB; xây dựng phương án di dân vùng bối; chuẩn bị tốt công tác “4 tại chỗ”; tập trung giải toả các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ đê điều. Có phương án kêu gọi các chủ tàu thuyền và ngư dân tham gia sản xuất trên các vùng cửa sông, cửa biển vào nơi trú ẩn an toàn khi có bão. Đôn đốc các đơn vị thi công các công trình phục vụ công tác PCLB bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ nhất là các công trình kè, cống phải hoàn thành xong trước 30-4-2011; các công trình đê xong trước ngày 31-5-2011.
Ngày 31-3-2011, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương và Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố tổng kết công tác PCLB-TKCN năm 2010, triển khai nhiệm vụ PCLB-TKCN năm 2011. Đồng chí Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Dự hội nghị trực tuyến tại tỉnh có đồng chí Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCLB-TKCN của tỉnh.
Năm 2010, thời tiết nước ta có nhiều diễn biến phức tạp. Thiên tai đã làm 273 người chết; 96 người mất tích; 491 người bị thương; ước tính thiệt hại về vật chất khoảng hơn 16 nghìn tỷ đồng. Trong từng trận bão, lũ, Chính phủ đều trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả tại các địa phương, hỗ trợ kịp thời cho nhân dân các vùng bị thiên tai. Nhà nước đã hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai với tổng số tiền 1.766,6 tỷ đồng và 22.600 tấn gạo. Kinh phí đầu tư cho xây dựng, tu bổ, nâng cấp các công trình đê, kè, cống, hồ chứa, khu neo đậu tàu thuyền… phát huy hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Số người chết và mất tích trong năm 2010 giảm 94 người; diện tích lúa ngập, hư hại giảm hơn 100 nghìn ha so với trung bình 10 năm gần đây.
Triển khai công tác PCLB-TKCN năm 2011, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương và Uỷ ban quốc gia TKCN đã tập trung vào một số nhóm giải pháp chính: Các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương kiểm tra, rà soát các công trình đê điều, hồ đập, đường giao thông vượt lũ, khu neo đậu tàu thuyền, hệ thống điện, thông tin liên lạc, y tế… Chỉ đạo xây dựng và kiểm tra các phương án PCLB theo phương châm “4 tại chỗ” chi tiết, cụ thể, phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng địa bàn. Đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình lớn PCLB cấp quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt. Lồng ghép xây dựng các công trình dân dụng với công tác PCLB nhằm bảo đảm an toàn dân cư. Tăng cường năng lực PCLB, cứu hộ, cứu nạn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống thiên tai.
Sau khi nghe báo cáo và kiến nghị của một số bộ, ngành, địa phương về công tác PCLB-TKCN, kết luận hội nghị Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy PCLB-TKCN, rà soát, bổ sung các phương tiện, vật tư cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”. Tiếp tục phát huy hiệu quả công tác diễn tập PCLB-TKCN, đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCLB-TKCN trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nâng cao hiệu quả của hệ thống thông tin liên lạc, công tác dự báo khí tượng thủy văn, tiếp tục đầu tư cho các công trình đê điều, hệ thống quan trắc, giám sát, trang thiết bị… phục vụ PCLB-TKCN.
Năm 2011, ngành GT-VT xác định công tác PCLB-TKCN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm với ý thức phòng là chính và xử lý nhanh hậu quả do thiên tai gây ra. Sở GT-VT đã kiện toàn Ban chỉ huy PCLB-TKCN, xây dựng phương án PCLB-TKCN của đơn vị theo phương châm 4 tại chỗ. Trong mùa mưa bão ngành sẽ duy trì chế độ trực thường xuyên kể cả ngày lễ, thứ 7, chủ nhật. Tiến hành kiểm kê và kiểm tra chất lượng các nhà bạt, phao bè, phao cứu sinh, xuồng cao tốc… để bảo đảm phục vụ hiệu quả công tác PCLB-TKCN. Cty cổ phần xây dựng cầu đường Nam Định chuẩn bị 300m3 đất thịt, 400m dây cáp và các loại dụng cụ khác. Ngành GT-VT xây dựng kế hoạch huy động 75 xe ô tô chở khách các loại; 47 xe ô tô vận tải, 3 máy xúc, 40 xà lan tự hành sẵn sàng phục vụ công tác PCLB-TKCN năm nay./.
Trần Hữu Quyết và Thanh Thuỷ