Ngày 6-4-2011, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố trong cả nước về triển khai công tác phòng, chống dịch lở mồm long móng (LMLM). Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì hội nghị. Ở tỉnh ta, đồng chí Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh tham dự.
Ở nước ta, từ tháng 9-2010 đến nay, dịch LMLM đã xảy ra ở 1.680 xã, phường, thị trấn của 241 huyện, quận, thị xã thuộc 39 tỉnh, thành phố với tổng số gia súc mắc bệnh là 133.825 con, số gia súc phải tiêu huỷ là 5.336 con trâu, 849 con bò, 30.061 con lợn và 161 con dê. Hiện tại, 10 tỉnh đã qua 21 ngày dịch, 29 tỉnh có ổ dịch LMLM chưa qua 21 ngày, trong đó tỉnh ta đã phát hiện và xử lý 4 ổ dịch tại 4 xã: Nam Hồng, Nam Hùng (Nam Trực); Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thuỷ); xã Xuân Tân (Xuân Trường) với 6 con bò, 2 con trâu và 81 con lợn của 7 hộ chăn nuôi. Dịch LMLM bùng phát tại các tỉnh miền núi phía Bắc và lây lan rất nhanh, tỷ lệ mắc và chết ở lợn cao hơn so với năm trước. Hiện tại, dịch đã có dấu hiệu chững lại và có chiều hướng đi xuống nhưng nguy cơ dịch tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới là rất cao nếu các địa phương không có biện pháp quản lý hữu hiệu đàn gia súc mới vừa lành bệnh. Ngoài nguyên nhân khách quan như: Thời tiết diễn biến thất thường, dịch xảy ra đúng dịp Tết Nguyên đán, lực lượng thú y cơ sở mỏng… thì còn những nguyên nhân chủ quan như: chính quyền và nhân dân một số địa phương chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch, không quản lý chặt chẽ ổ dịch, xử lý các ổ dịch không triệt để; một số địa phương không thực hiện tốt công tác kiểm dịch vận chuyển tại gốc, không có sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền và các ngành chức năng với ngành Thú y; công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, biện pháp phòng chống dịch còn hạn chế… dẫn đến người dân chủ quan, lơ là không áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch. Để khống chế dịch LMLM trong tháng 4-2011, các địa phương trong cả nước cần tập trung vào 3 giải pháp chính: Tiêm phòng vắc-xin, giám sát phát hiện sớm và quản lý chặt ổ dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc và sản phẩm từ gia súc. Đồng thời triển khai 4 biện pháp hỗ trợ chính gồm: Thường xuyên tiêu độc, khử trùng ổ dịch để tiêu diệt vi-rút; tuyên truyền để người dân cùng tham gia giám sát, báo cáo và quản lý ổ dịch, hạn chế các hành vi làm phát sinh và lây lan dịch; khuyến khích giết mổ và tiêu thụ tại chỗ những gia súc đã khỏi bệnh lâm sàng; khuyến khích các địa phương, người chăn nuôi xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nêu rõ: Dịch LMLM năm nay lây lan mạnh do chủng vi-rút có độc lực cao hơn, các tỉnh phía Bắc lạnh lâu làm cho sức đề kháng của gia súc giảm dẫn đến chết nhiều hơn so với các năm trước. Nguyên nhân chính vẫn là còn chủ quan, còn có nhận thức cho rằng dịch LMLM không nghiêm trọng như dịch tai xanh; thậm chí có nơi còn làm ngơ để người dân buôn bán gia súc có vi-rút. Trong công tác phòng chống dịch phải lấy phòng dịch là chính, hiện tại khó khăn nhất là quản lý gia súc đã khỏi bệnh lâm sàng nhưng vi-rút trong cơ thể gia súc vẫn còn tồn tại một vài năm. Do vậy không được cấp giấy chứng nhận gia súc đã khỏi bệnh lâm sàng để sang các địa phương khác, chỉ khuyến khích giết mổ, tiêu thụ tại chỗ ở các địa phương chưa bị dịch, không nhập gia súc ở nơi có dịch vào địa phương mình. Tổ chức tiêm phòng vắc-xin đúng quy định, các địa phương phải đăng ký mua vắc-xin và nên có vắc-xin dự phòng tại địa phương mình. Chống dịch phải làm theo luật pháp đồng bộ và tất cả các địa phương đều làm, kiểm tra, xử lý nghiêm những nơi cố tình vi phạm; xử lý ổ dịch phải làm kiên quyết, tiêu huỷ những con bị bệnh đầu tiên. Bộ NN-PTNT tiếp thu các ý kiến đề nghị của các địa phương như điều chỉnh kinh phí chống dịch, phòng dịch, chế độ chính sách cho thú y cơ sở… để tổng hợp báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh bảo đảm hợp lý./.
Tất Thắc