* Hội thảo bình ổn thị trường phân đạm và nâng cao hiệu quả phân phối Đạm Phú Mỹ
Ngày 18-3-2011, UBND tỉnh và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tổ chức lễ ký thoả thuận hợp tác toàn diện trong phát triển kinh tế. Dự lễ ký, về phía cơ quan, doanh nghiệp Trung ương có các đồng chí: Trung tướng Bùi Văn Nam, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Đinh La Thăng, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương. Về phía tỉnh có các đồng chí: Phạm Hồng Hà, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Uỷ viên Ban TVTU: Trần Lương Bằng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Công Chuyên, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ; Bùi Xuân Đức, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ; Ngô Quang An, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư; Đặng Văn Sinh, Giám đốc Công an tỉnh.
Các đại biểu dự Hội thảo bình ổn thị trường phân đạm và nâng cao hiệu quả phân phối Đạm Phú Mỹ.
Ảnh:
Thanh Tuấn
|
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ hoan nghênh sự hợp tác toàn diện giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và UBND tỉnh. Tỉnh Nam Định sẽ chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị hạ tầng, thủ tục hành chính… để thực hiện tốt các nội dung, các dự án đã thoả thuận với Tập đoàn và hy vọng sẽ sớm có sự mở rộng các lĩnh vực hợp tác đầu tư của Tập đoàn trên địa bàn tỉnh trong tương lai.
Theo thoả thuận, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp của Tập đoàn tự đầu tư hoặc phối hợp cùng các doanh nghiệp tỉnh Nam Định và các doanh nghiệp trong nước đầu tư các dự án mà 2 bên cùng quan tâm trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp của Tập đoàn sẽ đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực: kinh doanh xăng dầu, phân bón; đầu tư xây dựng các khu đô thị dịch vụ thương mại và tiếp tục thực hiện chương trình an sinh xã hội. Trước mắt, UBND tỉnh Nam Định và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam sẽ chỉ đạo các đơn vị thành viên tập trung triển khai thực hiện một số dự án: Cty cổ phần hoá dầu và xơ sợi tổng hợp dầu khí (PVTex) phối hợp với Vinatex và các đơn vị liên quan thành lập ngay Cty cổ phần để triển khai đầu tư xây dựng nhà máy kéo sợi giai đoạn 1 công suất 6 vạn cọc sợi; Tổng Cty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) phối hợp với Vinatex và các đơn vị liên quan thành lập ngay Cty cổ phần đầu tư để xây dựng 1 khách sạn tiêu chuẩn 5 sao trên diện tích đất Nhà máy Dệt Nam Định; Tổng Cty cổ phần phân bón và hoá chất dầu khí (PVFCCo) triển khai đầu tư nhà máy sản xuất phân bón tổng hợp; Tổng Cty dầu khí Việt Nam (PVGAS) chủ trì và phối hợp với Cty Thiên Trường triển khai đầu tư Trung tâm thương mại và Văn phòng cho thuê tại Khu đô thị Hoà Vượng (TP Nam Định); Tổng Cty dầu Việt Nam (PVOil) nghiên cứu và đầu tư tổng kho xăng dầu tại Khu kinh tế Ninh Cơ; Tổng Cty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) nghiên cứu đầu tư cảng nước sâu tại Khu kinh tế Ninh Cơ; UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh giải quyết nhanh chóng các thủ tục cần thiết cho Tập đoàn và các đơn vị thành viên của Tập đoàn trong việc nghiên cứu lựa chọn dự án đầu tư, giải phóng, bàn giao mặt bằng và hoàn thiện các thủ tục để triển khai thực hiện các dự án. Tỉnh tạo điều kiện cho Tổng Cty dầu Việt Nam xây dựng các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại Thành phố Nam Định theo quy hoạch của tỉnh.
Ngay tại lễ ký, các đơn vị thành viên của Tổng Cty cổ phần xây lắp dầu khí và các đơn vị của Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã ký thoả thuận hợp tác triển khai dự án xây dựng khách sạn 5 sao tại Nam Định; Tổng Cty cổ phần phân bón và hoá chất dầu khí và Sở Kế hoạch - Đầu tư ký thoả thuận hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy phân bón tổng hợp; ra mắt Cty cổ phần sợi PVTex Nam Định.
* Sau lễ ký kết các thoả thuận hợp tác, các đại biểu đã tham dự Hội thảo bình ổn thị trường phân đạm và nâng cao hiệu quả phân phối Đạm Phú Mỹ. Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận các vấn đề về: giải pháp cân đối cung cầu góp phần bình ổn thị trường phân bón; giải pháp sử dụng hiệu quả phân bón; một số giải pháp điều hành của Nhà nước để bình ổn giá thị trường phân bón hóa học; vai trò bình ổn thị trường phân đạm của Tổng Cty phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo). Hội thảo đã tập trung đánh giá thực trạng cung - cầu mặt hàng phân bón; trong đó năng lực sản xuất phân đạm trong nước như Urê, DAP (photphat đạm) mới đáp ứng được 30-54% nhu cầu trong nước. Riêng phân bón NPK với năng lực sản xuất hiện đạt khoảng 3 triệu tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Các loại phân như Kali, SA (sunphat đạm) hiện trong nước chưa sản xuất được nên vẫn phải nhập khẩu 100% (với lượng nhập khoảng 700 ngàn tấn Kali, 600 ngàn tấn SA mỗi năm). Dự kiến trong năm 2011, cả nước sẽ tiêu thụ khoảng 8,5 triệu tấn phân đạm các loại; trong đó phải nhập khẩu 2,55 triệu tấn phân Urê, SA, DAP, Kali để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thị trường phân bón trong thời gian qua có nhiều biến động về giá cả tăng mạnh. Nguyên nhân do phụ thuộc vào nhập khẩu một số loại phân bón; tình trạng mất cân đối cung cầu cục bộ do chưa chủ động về nguồn cung; chi phí sản xuất tăng do sự điều chỉnh tăng giá của các yếu tố đầu vào cơ bản như: điện, than, xăng dầu, nhân công. Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ ban hành quy định yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phân bón phải duy trì một lượng hàng dự trữ bắt buộc nhất định để có thể cung ứng kịp thời khi thị trường có hiện tượng giá tăng đột biến, nguồn cung thiếu hụt nhằm nhanh chóng ổn định thị trường. Các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ dự trữ lưu thông sẽ nhận được những hỗ trợ từ Nhà nước thông qua các ưu đãi về tín dụng, thuế, đầu tư kho bãi, tiếp cận ngoại tệ. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón phải đăng ký giá bán, niêm yết và bán đúng giá đã đăng ký với cơ quan Tài chính.
Cùng với việc bảo đảm nguồn cung cho thị trường, PVFCCo đã và đang tích cực thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường thông qua việc duy trì giá bán ổn định, nâng cao công suất, xây dựng hệ thống phân phối và vận chuyển; tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác dự báo thị trường; đẩy mạnh công tác truyền thông, giám sát bán hàng và đưa ra chính sách bán hàng ổn định, linh hoạt.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Đinh La Thăng ghi nhận những ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, đại diện khách hàng. Đồng chí đề nghị các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải cân đối cung cầu, đăng ký giá bán, bán đúng giá nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất cho nông dân. Kiến nghị với các bộ, ngành cần có chính sách đồng bộ về cơ chế, luật pháp và có chế tài xử phạt nghiêm minh các hành vi làm giả, làm nhái, thao túng thị trường… Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất phân bón, tạo điều kiện phát triển cho những nhà sản xuất phân bón uy tín, chất lượng./.
Hữu Quyết và Hoàng Tuấn