Triển khai công tác dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn năm 2011

01:03, 25/03/2011

 

Ngày 23-3-2011, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức hội nghị triển khai công tác dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn năm 2011.

Đối tượng học nghề là lao động nông thôn, lao động nữ (cả nông thôn và thành thị) trong độ tuổi lao động; ưu tiên dạy nghề cho lao động thuộc diện đối tượng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác, lao động nữ mất việc làm trong các doanh nghiệp. Mỗi đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề 1 lần, những người đã được hỗ trợ học nghề theo các chính sách khác của Nhà nước thì không được hỗ trợ theo chương trình này. Riêng những người đã được hỗ trợ học nghề nhưng bị mất việc do nguyên nhân khách quan, Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố căn cứ theo đề nghị của các xã, thị trấn trình Sở LĐ-TB&XH xem xét tiếp tục hỗ trợ học nghề để chuyển đổi việc làm nhưng tối đa không quá 3 lần. Năm 2011, ưu tiên dạy nghề cho lao động ở 73 xã triển khai thí điểm mô hình nông thôn mới (NTM), mỗi xã từ 02 lớp trở lên. Người học nghề được hỗ trợ kinh phí học nghề ngắn hạn và tiền ăn, đi lại. Quy mô đào tạo năm 2011 là 8.380 lao động ở các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp; tổng kinh phí hỗ trợ học nghề 14,82 tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ tiền ăn và đi lại là 2 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm năm 2011. Về chỉ tiêu dạy nghề của các địa phương, đối với 11 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, mỗi xã được tổ chức 3 lớp (35 người/lớp); 62 xã, thị trấn điểm xây dựng NTM của các huyện, mỗi địa phương được mở 2 lớp (35 người/lớp); xã Liên Bảo và Kim Thái (Vụ Bản), mỗi xã được mở 3 lớp, riêng xã Liên Minh được tổ chức 6 lớp (cả hai diện đối tượng xã điểm NTM và xã có đất thu hồi cho KCN Bảo Minh). UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành hữu quan phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện kế hoạch này bảo đảm xét duyệt đúng đối tượng, tạo đủ điều kiện cho việc dạy nghề và thực hành nghề, bảo đảm sau khi học nghề người lao động có điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất tạo việc làm cho bản thân và người khác. Các doanh nghiệp tham gia chương trình đào tạo nghề phải cam kết sử dụng lao động sau đào tạo. Các địa phương cần làm tốt công tác kiểm tra giám sát kết quả, chất lượng đào tạo, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các lớp học vi phạm quy định. Sở LĐ-TB&XH đã phân công địa bàn tuyển sinh cho các trung tâm dạy nghề, các trường cao đẳng, trung cấp nghề và giới thiệu việc làm để bảo đảm kết quả tuyển sinh và hiệu quả đào tạo theo đúng nhu cầu của địa phương./.

Vân Anh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com