Ngày 28-2-2011, Sở NN-PTNT đã tổ chức hội nghị sơ kết gieo cấy vụ xuân năm 2011, chuyển trọng tâm sang chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi.
Triển khai sản xuất vụ xuân năm 2011 gặp rất nhiều khó khăn: khô hạn kéo dài, thiếu nguồn nước tưới; rét đậm rét hại kéo dài suốt trong tháng 1-2011, giống lúa lai tăng cao, sâu bệnh có khả năng phát sinh mật độ cao, trên diện rộng... Chủ động khắc phục khó khăn, tỉnh, ngành NN-PTNT, các địa phương và nông dân đã tích cực, tập trung từng thời kỳ, dứt điểm từng công việc nên đến nay toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa, màu vụ xuân trong khung thời vụ cho phép. Do bảo đảm đủ nước; tập trung làm đất nhanh, kỹ; gieo và bảo vệ mạ tốt nên đến ngày 28-2-2011, toàn tỉnh đã cấy, gieo sạ 68 nghìn ha, đạt 87% diện tích, dự kiến đến ngày 2-3-2011 cơ bản cấy xong; trong đó diện tích gieo sạ là 3.448ha, bằng 4,4% diện tích và gấp trên 3 lần so với vụ xuân năm 2010. Toàn tỉnh có 244ha tổ chức sản xuất hạt giống lúa lai F1. Các địa phương trong tỉnh đã gieo trồng 12.774ha cây màu vụ xuân. Cùng với tổ chức Tết trồng cây, đến nay toàn tỉnh đã trồng được gần 50 nghìn cây các loại. Do nhiều hộ chăn nuôi chủ quan, không tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, không làm tốt công tác vệ sinh thú y nên xảy ra dịch bệnh như ổ dịch cúm gia cầm ở xã Tân Thành (Vụ Bản), xã Yên Phong (Ý Yên); dịch lở mồm long móng ở xã Nam Hùng (Nam Trực), thị trấn Ngô Đồng (Giao Thuỷ), xã Yên Phú (Ý Yên). Rét đậm, rét hại kéo dài đã làm 4.134ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản bị ảnh hưởng, trong đó 650ha thiệt hại nặng. Các địa phương đã triển khai xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cấp xã, xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sử dụng đất... và đã tổ chức 30 lớp dạy nghề cho 1.140 lao động ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới.
Từ những nhận định xu thế diễn biến của thời tiết, sâu bệnh... dịch hại, Sở NN-PTNT xác định các biện pháp chỉ đạo trong thời gian tới là: Khẩn trương hoàn thành gieo cấy lúa xuân xong trước 2-3-2011, nhất là các huyện, xã cày chậm tập trung mọi lực lượng cho gieo cấy; giữ mực nước nông trong ruộng lúa từ sau khi cấy đến khi kết thúc đẻ nhánh hữu hiệu, tuyệt đối không để ruộng hạn; bón phân sớm, tập trung, cân đối, không lạm dụng phân đạm và tập trung bón thúc vào 2 đợt, kết thúc bón thúc lần 2 sau cấy 15-20 ngày; tập trung phòng trừ sâu bệnh hại lúa: chuột, ốc bươu vàng, sâu cuốn lá, rầy; các bệnh nghẹt rễ, đạo ôn, khô vằn... đặc biệt là rầy và bệnh lùn sọc đen. Để bảo vệ đàn vật nuôi, các địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát dịch bệnh đến từng hộ; tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi tích cực vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi; thường xuyên thông báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn cho người chăn nuôi các biện pháp phòng, chống dịch; điều tra, thống kê số gia súc, gia cầm thuộc đối tượng phải tiêm, nhất là các đàn vật nuôi mới phát sinh. Về thuỷ sản, tập trung cho công tác tuyển chọn, nuôi vỗ đàn bố mẹ, đảm bảo đủ giống, giống tốt cho nuôi thả; các cơ sở quản lý tốt giống nhập, làm vệ sinh ao đầm; kiểm soát công tác đăng ký, đăng kiểm, chuẩn bị tốt các điều kiện ra quân khai thác vụ cá nam. Tập trung cho công tác xây dựng quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới./.
Tuấn Anh