Chính phủ họp trực tuyến về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội

08:03, 21/03/2011

Ngày 18-3-2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về việc triển khai thực hiện những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ. Dự hội nghị trực tuyến tại tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh.

Sau 1 tháng triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ tất cả các bộ, ngành, tỉnh, thành trong cả nước đều có chương trình, kế hoạch hành động triển khai thực hiện. Trong đó, các đơn vị tập trung thực hiện các giải pháp: Tăng thu, chống thất thu, giảm chi tiêu ngân sách đối với các khoản chi tiêu chưa thật cần thiết; rà soát, cắt giảm, chuyển vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ; tăng cường quản lý thị trường và giá cả, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Nhờ đó, quý I-2011 tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,5%, xấp xỉ mức tăng cùng kỳ năm ngoái; giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 14%, cao hơn mức tăng bình quân của năm 2010, xuất khẩu ước đạt tốc độ 31%, cao gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Sản xuất nông nghiệp vượt qua nhiều khó khăn của thiên tai, dịch bệnh; bảo đảm sản xuất phát triển ổn định. Về tín dụng tiền tệ, nhờ tập trung chỉ đạo và thực hiện kiên quyết, đồng bộ các giải pháp huy động vốn, cho vay, lãi suất, quản lý ngoại hối, tỷ giá, đến ngày 10-3 đã tăng tổng dư nợ tín dụng lên 3,68% và tăng tổng phương tiện thanh toán lên 1,7% so với cuối năm 2010, bảo đảm có thể kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán đã được đề ra của Nghị quyết 11. Lãi suất huy động và cho vay đã giảm và ổn định. Hoạt động kinh doanh, thu đổi ngoại tệ, bước đầu đã lập lại trật tự theo quy định của pháp luật, xóa bỏ việc kinh doanh ngoại tệ trên thị trường tự do và điều chỉnh linh hoạt tỷ giá giúp tăng nhanh số ngoại tệ thu đổi, gửi tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá giao dịch đã giảm và ổn định so với trước. Tại tỉnh ta, các sở, ban, ngành, địa phương đã thực hiện các nhóm giải pháp gắn với những nhiệm vụ cụ thể của đơn vị. Ngân hàng Nhà nước tỉnh, các tổ chức tín dụng gắn việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ với việc thực hiện Chỉ thị 01 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng, bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20%, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh trên 12%. Sở Công Thương và Sở Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, vận chuyển, sản xuất hàng giả, hàng lậu, hàng cấm và gian lận thương mại… Phấn đấu số thu ngân sách năm 2011 tăng tối thiểu 13% so với dự toán Trung ương giao, tăng 5% so với dự toán tỉnh giao. Tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán ngân sách năm của các ban, ngành, các huyện, thành phố. Thực hiện hoãn khởi công 7 công trình chưa cấp thiết, chưa hoàn thành thủ tục với tổng mức đầu tư là 600,5 tỷ đồng. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển dạy nghề gắn với tạo việc làm; tăng cường công tác thực hiện các chế độ chính sách cho hộ nghèo…

Các địa phương có ý kiến, dù đã tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế trong công tác tuyên truyền, phổ biến về các giải pháp, nhất là các giải pháp tăng cường quản lý ngoại tệ, vàng; chưa có sự chủ động chuẩn bị để thực hiện giải pháp quản lý ngoại tệ, vàng nên vẫn gây ra một vài xáo trộn; việc đưa lãi suất lên cao trong tình hình vẫn còn lạm phát gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đầu tư, làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng cao; việc quản lý giá cả, chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới chưa thực hiện đồng bộ.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ và địa phương tiếp tục tăng cường thông tin tuyên truyền các nội dung chính sách, đặc biệt là các kết quả ban đầu thực hiện nghị quyết. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp trên nguyên tắc đẩy mạnh phát triển sản xuất. Tăng cường kiểm soát tổng dư nợ tín dụng, giảm cung tiền để giảm tổng phương tiện thanh toán; giảm tổng cầu để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm dưới 20% và tăng tổng phương tiện thanh toán 15-16%; kiên quyết xoá bỏ kinh doanh ngoại tệ trái phép, thực hiện mua bán, thu đổi ngoại tệ qua ngân hàng, giảm cho vay bằng ngoại tệ. Đối với xuất nhập khẩu, thực hiện các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích xuất khẩu; giảm dần nhập siêu xuống dưới 16% so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Thực hiện cắt giảm đầu tư công, tăng cường quản lý thu, chống thất thu; hướng dẫn tiết kiệm chi tiêu 10% so với dự toán trong 9 tháng còn lại của năm. Tăng cường công tác tiết kiệm điện, quản lý thị trường và giá cả, điều chỉnh giá xăng theo giá thị trường thế giới. Thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với người nghèo tiếp tục nghiên cứu, cải cách, điều chỉnh mức lương tối thiểu./.

Nguyễn Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com