Ngày 24-2-2011, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến với UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước để triển khai nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội trong năm 2011. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị. Ở tỉnh ta, các đồng chí: Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; giám đốc các sở, ngành; trưởng các đoàn thể của tỉnh tham dự hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN) |
Nghị quyết của Chính phủ tập trung vào các giải pháp chủ yếu là: Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, kiềm chế tăng trưởng tín dụng dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán 15-16% trong năm 2011; thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách Nhà nước, tăng thu ngân sách Nhà nước 7-8%, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên 9 tháng còn lại, giảm bội chi ngân sách Nhà nước xuống dưới 5% GDP, giảm tối thiểu 10% kế hoạch tín dụng đầu tư từ nguồn vốn tín dụng Nhà nước; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng; bảo đảm nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng xuất khẩu từ các mặt hàng nông nghiệp và các mặt hàng khác, kiểm soát nhập khẩu hàng tiêu dùng; điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, coi đây là công tác trọng tâm trong điều hành, tạo ra sự đồng thuận trong xã hội để thống nhất thực hiện. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp báo cáo với Thủ tướng Chính phủ mỗi tháng 2 lần và trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội trong tháng 3-2011 về các giải pháp tổng thể, toàn diện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng xác định tình hình lạm phát của thế giới, nhất là vùng châu Á tăng cao. Ở nước ta 2 tháng đầu năm 2011 giá cả tăng 3,79%, so với cùng kỳ tăng 12%. Giá cả tăng có nhiều nguyên nhân cả chủ quan, khách quan, cả trong nước và ngoài nước đang đe dọa nền kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân nên chúng ta phải kiềm chế lạm phát. Cả nước phải tập trung sức, bằng mọi giải pháp, bằng mọi nguồn lực, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp... tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và coi đó là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách đối với cả nước, của Chính phủ, chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu một cách tích cực, quyết liệt. Về chính sách tiền tệ, phải kiểm soát cho được tốc độ tăng trưởng tín dụng xuống dưới 20%, tổng thanh toán 15-16%, dành tín dụng tập trung cho nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ... cùng với kiềm chế lạm phát phải giảm dần hợp lý lãi suất. Chính phủ thông qua Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, huy động các lực lượng kiểm soát cho được tỷ giá ngoại hối; các tập đoàn kinh tế, tổng Cty nhà nước... phải bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước để quản lý ngoại tệ, khi có nhu cầu ngân hàng sẽ bán lại, nếu cần thiết Thủ tướng cũng sẵn sàng ra quyết định về vấn đề này; các địa phương, các ngành chức năng kiểm soát và quản lý ngoại hối, quản lý vàng, chống buôn lậu vàng qua biên giới. Phải tăng thu ngân sách 7-8%, tiết kiệm thêm 10% chi ngân sách, giảm bội chi xuống dưới 5%; không ứng vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, không kéo dài thời gian thực hiện các dự án; các tỉnh, thành phố sắp xếp lại công trình, cơ cấu lại đầu tư cho có hiệu quả; vốn tín dụng giảm 10% và vốn này tập trung cho nông nghiệp để tạo ra sản phẩm nâng cao đời sống cho nông dân và góp phần tăng trưởng kinh tế. Giao cho Bộ NN-PTNT cùng các địa phương rà soát lại để tăng diện tích vụ thu đông khoảng 200 nghìn ha, tập trung cho cây lúa để tăng thêm 1 triệu tấn lương thực. Điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu, hỗ trợ các hộ nghèo sao cho tiền hỗ trợ đến trước khi các hộ nộp tiền điện. Bộ Thông tin - Truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng tập trung tuyên truyền nghị quyết này để tạo ra sự đồng thuận; phân tích kỹ những thuận lợi, khó khăn, các giải pháp, các nguồn tin... để mọi người, mọi cấp, mọi tập thể, cá nhân chung sức chung lòng vượt qua khó khăn. UBND cấp tỉnh chỉ đạo tốt việc kiểm soát giá, không để hiện tượng đầu cơ đẩy giá lên nhất là các mặt hàng thiết yếu như gạo, xăng, dầu, thuốc chữa bệnh... cùng với cơ quan chức năng quản lý tốt ngoại hối...; những vướng mắc, đề nghị gửi về Văn phòng Chính phủ để Chính phủ cùng các ban ngành giải quyết./.
Tất Thắc