Hội nghị phát triển bền vững toàn quốc lần thứ III

08:01, 10/01/2011

Ngày 6-1-2011, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến về phát triển bền vững toàn quốc lần thứ III với lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cả nước. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Hội đồng phát triển bền vững quốc gia chủ trì hội nghị. Ở tỉnh ta, các đồng chí: Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Đức Long, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đã tham dự.

Hội nghị phát triển bền vững toàn quốc lần thứ 3. Ảnh: Chinhphu.vn
Hội nghị phát triển bền vững toàn quốc lần thứ 3. Ảnh: Chinhphu.vn

Trong 5 năm qua (2005-2010), Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế nhằm thực hiện định hướng chiến lược phát triển bền vững; lồng ghép phát triển bền vững vào các chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển; truyền thông nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực quản lý phát triển bền vững (PTBV) của các cơ quan Trung ương và địa phương; triển khai thực hiện các sáng kiến và mô hình PTBV tại các bộ, ngành và địa phương theo dõi, giám sát, đánh giá về thực hiện PTBV; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PTBV. Hội nghị đã đánh giá kết quả thực hiện 19 lĩnh vực hoạt động ưu tiên của định hướng chiến lược PTBV trong 5 năm qua, khẳng định mặt được, những hạn chế và tồn tại. Về tổng quát, kết quả đã đạt được là: Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm ước đạt 7%, GDP theo giá thực tế tính theo đầu người năm 2010 dự kiến đạt 1.162 USD, đưa nước ta ra khỏi nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp, tất cả các vùng đều đạt và vượt mục tiêu về GDP bình quân đầu người, giảm tỷ lệ hộ nghèo so với kế hoạch đề ra. Về xã hội, các mặt như xoá đói, giảm nghèo, dân số, bảo vệ chăm sóc sức khoẻ… đều đạt được kết quả khích lệ, công tác an sinh xã hội được đặc biệt coi trọng; tính đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo dự kiến còn dưới 10%, trên 8 triệu lao động đã được giải quyết việc làm, chỉ số phát triển con người của Việt Nam tiếp tục tăng, các mục tiêu cam kết với cộng đồng quốc tế đều đạt và vượt. Về tài nguyên môi trường: các hệ thống pháp luật quản lý, bảo vệ môi trường đang hoàn thiện, tiếp cận với các mục tiêu PTBV; các nguồn lực được tăng cường, hợp tác quốc tế đạt nhiều kết quả tốt, từng bước hạn chế ô nhiễm, chất lượng môi trường một số nơi, một số vùng được cải thiện, chất lượng cuộc sống của người dân được tăng lên. Song những hạn chế và tồn tại là: Chất lượng, hiệu quả nền kinh tế còn thấp, tăng trưởng kinh tế thiếu chiều sâu, sử dụng tài nguyên không tái tạo; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đồng đều, năng suất lao động thấp so với các nước trong khu vực, sự tăng trưởng kinh tế còn dựa một phần quan trọng về vốn vay bên ngoài. Tình trạng tái nghèo ở một số vùng khó khăn có chiều hướng gia tăng, chưa tạo ra sự bứt phá trong giải quyết việc làm, chưa tạo ra nhiều việc làm bền vững; cơ cấu dân số biến động mạnh, mất cân bằng giới tính; công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân còn nhiều bất cập; hệ thống giáo dục quốc dân chưa đồng bộ, chất lượng giáo dục còn thấp, suy giảm đa dạng sinh học, khai thác khoáng sản và quản lý chất thải rắn gia tăng gây bức xúc trong nhân dân; hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường chưa đồng bộ; lực lượng cán bộ quản lý về tài nguyên và môi trường còn thiếu, yếu. Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên vẫn đang diễn ra, phổ biến… Từ xác định nguyên nhân chủ yếu, hội nghị đã đề ra định hướng PTBV giai đoạn 2011-2015 trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và tài nguyên môi trường cụ thể và thiết thực. Đồng thời đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện PTBV giai đoạn 2011-2015, đó là: Hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách về PTBV; lồng ghép nguyên tắc PTBV trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển quốc gia, ngành và địa phương; đẩy mạnh công tác giáo dục PTBV, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về PTBV, đào tạo và tăng cường năng lực quản lý về PTBV cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp và cộng đồng dân cư; huy động các nguồn lực để thực hiện PTBV và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đó; xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện PTBV; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong việc triển khai thực hiện định hướng chiến lược PTBV; huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện PTBV, mở rộng hợp tác quốc tế về PTBV.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng khẳng định sự cần thiết phát triển kinh tế mới, bền vững và cần có giải pháp với lộ trình trung, dài hạn, có tính tới lộ trình lạm phát, cân đối tài chính quốc gia, cân đối cán cân thanh toán với 4 cân đối là: vốn - đất đai - con người - năng lượng, quan tâm hơn nữa đến con người và năng lượng; cần giám sát phát triển xuất khẩu, xác định thị trường, mục tiêu, sản phẩm quốc gia, phát huy sự đóng góp của khoa học công nghệ. Sử dụng ngân sách có hiệu quả, tiếp tục đầu tư y tế, giáo dục, khoa học công nghệ; cần hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, có chỉ tiêu giám sát phát triển bền vững. Phải làm chuyển biến tiêu hao ít hơn nhưng tăng trưởng vẫn bằng và cao hơn. Giao cho Bộ Khoa học - Công nghệ tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo, hoàn chỉnh các hệ thống chỉ tiêu đến cuối tháng 2-2011 để trình Chính phủ định hướng chiến lược PTBV trong 5 năm, 10 năm tới; các bộ, ngành, các địa phương xây dựng chương trình hành động và các chỉ tiêu PTBV trong 5 năm tới và hoàn thành trong tháng 6-2011./.

Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com