Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Vừa qua, tại Trụ sở Chính phủ, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến kiểm điểm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường và thống nhất những giải pháp cấp bách kiềm chế lạm phát. Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì với sự tham gia của đại diện một số bộ, cơ quan và đầu cầu nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Bộ Công Thương cho biết, từ nay đến cuối năm 2010 và Tết Nguyên đán Tân Mão, nguồn cung các loại hàng hóa thiết yếu như phân u-rê, thức ăn chăn nuôi, thép, muối, xi-măng, xăng dầu, than, khí ga... bảo đảm đủ nhu cầu. Các doanh nghiệp phân phối đã có sự chuẩn bị dự trữ hàng hóa cho đợt cao điểm mua sắm cuối năm ngay từ tháng 10. Để bảo đảm bình ổn thị trường, Bộ Công Thương sẽ kiểm tra, xử lý triệt để các hành vi lợi dụng chủ trương điều chỉnh giá của Nhà nước để đẩy giá lên cao, nhất là các kênh phân phối, lưu thông và tiêu thụ cuối cùng của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh buôn bán, bán lẻ hàng hóa để kịp thời phát hiện những hành vi nâng giá bất hợp lý; các biểu hiện đầu cơ, mua vét hàng hóa, dự trữ hàng hóa quá mức; kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng; bịa đặt loan tin thất thiệt, hoặc các hành vi lợi dụng đo lường, đóng gói để tăng giá. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, áp lực cung cầu về mặt hàng gạo là không có, sẽ khó tăng giá đột biến khi nhiều tỉnh đang và sắp thu hoạch vụ mùa và vụ đông, lượng gạo dự trữ cũng được các doanh nghiệp thực hiện đúng kế hoạch. Tương tự, mặt hàng thịt hơi các loại sẽ không thiếu khi chăn nuôi khá ổn định.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo một số nhiệm vụ ưu tiên trong thời gian tới như: Tập trung tháo gỡ, khai thác tốt năng lực sản xuất kinh doanh, dịch vụ lưu thông hàng hóa, bảo đảm nguồn cung là mục tiêu số một, nhất là nguồn cung để giải quyết khó khăn cho các vùng bị thiên tai, bão lụt vừa qua. Chính phủ cũng sẽ sớm có Quyết định về hỗ trợ cho cơ sở hạ tầng lưu thông hàng hóa, phân bón, giống cây trồng vật nuôi... cho các tỉnh bị lũ lụt, thực hiện hoãn thu lệ phí, phí đối với các cơ sở sản xuất, chế biến thịt...
Bộ Công Thương và các địa phương phải theo dõi thường xuyên cung cầu hàng hóa, cân đối nguồn hàng dự trữ để tránh xảy ra “sốt” giá thị trường, nhất là mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, phân bón, thép, lương thực, thực phẩm..., tiếp tục chỉ đạo tăng các điểm bán lương thực, thực phẩm ở các thành phố. Các địa phương thành lập các tổ kiểm tra liên ngành, phân định, phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể, nhất là đối với lực lượng quản lý thị trường và các ban quản lý chợ trong kiểm soát giá cả. Nếu để xảy ra tăng giá bất hợp lý trong phạm vi phụ trách thì phải chịu trách nhiệm. Xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá trái quy định, gây “sốt” giá. Bộ Tài chính có trách nhiệm sửa đổi Nghị định xử lý vi phạm hành chính thị trường giá cả, trình Chính phủ thông qua để có chế tài đủ mạnh trong xử lý vi phạm.
Các cơ quan truyền thông phối hợp tốt hơn thông tin về chủ trương, chính sách, quy định về kinh doanh của Nhà nước, thị trường cung cầu hàng hóa, giá cả để ngăn chặn tình trạng tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa, gây rối loạn thị trường, làm bất lợi đến người tiêu dùng./.
PV