Ngày 11-12-2010, tại thành phố Nam Định, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và UBND tỉnh Nam Định đã tổ chức hội nghị quy hoạch phát triển nhân lực vùng Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH) giai đoạn 2011-2020. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị. Dự hội nghị, có đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch - Đầu tư, Giáo dục - Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ; UBND, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Giáo dục - Đào tạo 10 tỉnh, thành phố vùng ĐBSH.
Vùng ĐBSH có 140 trường đại học, cao đẳng, chiếm 36,26% số trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Bình quân mỗi tỉnh, thành phố có 14 trường đại học, cao đẳng, gấp 2 lần so với mức bình quân chung cả nước.
Hiện nay, toàn vùng có khoảng 10,7 triệu lao động đang làm việc; trong đó lao động qua đào tạo chiếm 18,8% cao hơn bình quân cả nước. Đây là một thế mạnh thu hút các nhà đầu tư và kinh doanh tại vùng ĐBSH. Tuy nhiên, cơ cấu lao động đang làm việc chưa có sự chuyển dịch nhanh, tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản chiếm 45%, trong khi tỷ trọng trong GDP chỉ chiếm hơn 11%. Bên cạnh đó, hiệu quả sản xuất trong vùng còn thấp như năng suất ruộng đất thấp, tiêu hao điện cao, năng suất lao động các ngành thấp, hệ số ICOR cao, xuất khẩu ròng thấp (chỉ khoảng 30-35%). Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều thuộc nhóm thay thế nhập khẩu, chu kỳ sản phẩm ngắn, năng lực cạnh tranh yếu.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại hội nghị. |
Tại hội nghị, báo cáo của tỉnh Nam Định về thực trạng phát triển nhân lực, đào tạo và phương hướng phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 nêu rõ: Hiện tại tỉnh Nam Định có 12 trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp (3 trường đại học, 3 trường cao đẳng và 6 trường trung cấp chuyên nghiệp). Nguồn nhân lực dồi dào, nền giáo dục phát triển mạnh; trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật của người lao động từng bước được nâng cao, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm… Song thể chất người lao động còn hạn chế; trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ thuật, chất lượng cuộc sống có sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị; khả năng tạo việc làm chưa cao, mối quan hệ cung cầu lao động còn lỏng lẻo; công tác hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên chưa được coi trọng, tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa cao… Từ phân tích những nhân tố tác động đến phát triển nhân lực, dự báo cung cầu và đào tạo lao động giai đoạn 2011-2020, tỉnh đã đề ra 6 giải pháp chủ yếu là: Xây dựng, bổ sung hoàn thiện quy hoạch phát triển hệ thống đào tạo, đổi mới quản lý Nhà nước về phát triển nhân lực. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, công cụ khuyến khích và thúc đẩy phát triển nhân lực. Mở rộng, tăng cường sự phối hợp và hợp tác để phát triển nhân lực; nâng cao thể lực và trình độ của người lao động; dự báo nhu cầu vốn và giải pháp huy động vốn cho phát triển nhân lực…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, cần xác định rõ yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSH thời kỳ 2011-2020. Về tư tưởng chỉ đạo vùng ĐBSH là trung tâm giáo dục và đào tạo nòng cốt của đất nước, nơi tập trung các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đạt trình độ quốc tế. Trên cơ sở này, cần rà soát lại quy hoạch mạng lưới các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trường dạy nghề… và phân bổ hợp lý trên địa bàn các tỉnh trong vùng. Phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của vùng đến năm 2015 đạt 50%, năm 2020 đạt khoảng 60%./.
Tin, ảnh: Tất Thắc