Ngày 11-11-2010, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục THCS. Đồng chí Bùi Đức Long, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phổ cập THCS của tỉnh chủ trì hội nghị.
Năm 1999, Nam Định là một trong 3 tỉnh đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Đến năm 2001 có 218/225 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đạt chuẩn phổ cập THCS và được Bộ GD-ĐT công nhận là tỉnh đạt chuẩn phổ cập THCS, với tổng số 34.204 em 6 tuổi thuộc diện phổ cập. Tỷ lệ huy động vào lớp 1 đạt 99,98%. Số trẻ ở độ tuổi từ 11-14 tuổi là 165.500 em, đạt 98,91%. Số trẻ tốt nghiệp tiểu học là 46.605 em. Tỷ lệ huy động vào lớp 6 đạt 98,7%. Số học sinh tốt nghiệp THCS đạt tỷ lệ 99,9%. Số thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 15-18 tuổi thuộc diện phổ cập là 170.356 em và đã có 86,3% tốt nghiệp THCS và bổ túc THCS. Từ năm 2005 đến 2009, toàn tỉnh đã duy trì 100% các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập THCS, trong đó năm 2009, có tổng số 28.014 trẻ 6 tuổi thuộc diện phổ cập, huy động vào lớp 1 đạt 99,94%. Số trẻ ở độ tuổi từ 11 đến 14 tuổi tốt nghiệp tiểu học là 118.537 em, đạt 99,59%. Số trẻ tốt nghiệp tiểu học là 28.312 em, huy động vào lớp 6 là 28.280 em, đạt 99,89%. Số học sinh lớp 9 là 33.642 em, tốt nghiệp THCS là 33.509 em, đạt 99,6%. Số thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15-18 tuổi diện phổ cập là 150.315 em và đã có 96,32% tốt nghiệp THCS và bổ túc THCS.
Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2015 củng cố và giữ vững các tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS, tiếp tục nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS. Làm tốt công tác phân luồng sau THCS, bảo đảm 95% học sinh tốt nghiệp THCS được vào học các loại hình THPT, bổ túc THPT, đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp, chú trọng nâng cao tỷ lệ học sinh vào học đào tạo nghề và trung cấp chuyên nghiệp. Xây dựng được 70% số trường THPT, 60% số trường THCS đạt chuẩn quốc gia.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị ngành GD-ĐT cùng các cấp, các ngành và các địa phương tiếp tục duy trì kết quả phổ cập giáo dục THCS một cách vững chắc, làm tiền đề
thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục bậc trung học; coi trọng các hoạt động phổ cập và kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện phổ cập giáo dục chung; làm tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS, đồng thời đẩy mạnh phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia... góp phần nâng cao chất lượng phổ cập, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh./.