Thông qua ba dự án Luật và Nghị quyết về phân bổ Ngân sách Trung ương năm 2011

08:11, 17/11/2010

Ngày làm việc thứ 22, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, các đại biểu làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua ba dự án Luật: Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Viên chức, Luật Thuế bảo vệ môi trường và Nghị quyết về phân bổ Ngân sách Trung ương năm 2011. 

             Các đại biểu QH thảo luận tại hội trường.               Ảnh: Khắc Hường
Các đại biểu QH thảo luận tại hội trường.
Ảnh: Khắc Hường

Thành viên Đoàn thư ký kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Đinh Văn Nhã trình bày dự thảo Nghị quyết về phân bổ Ngân sách Trung ương năm 2011. Theo đó, tổng số thu cân đối NSTW năm 2011 là 398.679 tỷ đồng; tổng số thu cân đối Ngân sách địa phương là 206.321 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối NSTW năm 2011 là 519.279 tỷ đồng, bao gồm cả 126.208 tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho Ngân sách địa phương. Thời kỳ ổn định Ngân sách địa phương là 5 năm, từ năm ngân sách 2011 đến hết năm ngân sách 2015. Đồng thời, đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách và mức phân bổ NSTW cho từng Bộ, cơ quan khác ở TW và từng tỉnh, thành phố trực thuộc TW; chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW trình HĐND cùng cấp quyết định dự toán thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, phân bổ dự toán ngân sách cấp mình theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các Bộ, cơ quan khác ở TW và UBND các cấp quyết định giao dự toán thu, chi NSNN năm 2011 đến từng đơn vị trước ngày 31-12-2010; thực hiện công khai dự toán ngân sách theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, báo cáo QH về tiến độ, kết quả phân giao dự toán ngân sách của các Bộ, cơ quan khác ở TW và các địa phương tại kỳ họp thứ chín, QH khóa XII. Về hỗ trợ đầu tư các dự án, công trình cấp bách của địa phương: NSTW chỉ hỗ trợ một phần vốn đầu tư tập trung chủ yếu cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong thời gian không quá hai năm đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, chỉ cân đối được ngân sách địa phương từ 50% trở xuống, ưu tiên các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; hỗ trợ đầu tư các dự án, công trình theo quyết định của cơ quan lãnh đạo cao nhất.

Sau đó, các đại biểu QH lần lượt biểu quyết thông qua bốn điều cụ thể trong dự thảo Nghị quyết với số phiếu ít nhất là 76,47% tổng số đại biểu QH tán thành. Trên cơ sở kết quả đó, QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Nghị quyết với 386 đại biểu tán thành, bằng 78,3% tổng số đại biểu QH.

Cũng trong ngày làm việc, buổi chiều các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khiếu nại. Nhiều ý kiến phát biểu bày tỏ sự đồng tình và cơ bản nhất trí với nội dung đề cập trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về dự án Luật này của Ủy ban Pháp luật của QH. Về sự cần thiết ban hành Luật, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc tổng kết thực tiễn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, Chính phủ tổ chức xây dựng hai đạo luật là Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo là cần thiết./.

P.V



Luật sư Tư vấn pháp luật miễn phí

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com