Sơ kết một năm triển khai hoạt động của Ban nông nghiệp xã

09:11, 12/11/2010

 

Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị.

Ngày 10-11-2010, tại Sở NN-PTNT, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm triển khai hoạt động của Ban nông nghiệp xã (BNNX). Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Lãnh đạo các sở: NN-PTNT, Nội vụ, Tài chính; lãnh đạo UBND, Trưởng phòng NN-PTNT các huyện, thành phố về dự.

Đến nay 211/211 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có sản xuất nông nghiệp đều đã thành lập BNNX và đi vào hoạt động được trên 10 tháng. Tổng số cán bộ BNNX toàn tỉnh là 1276 người. Tuỳ theo quy mô xã,  số thành viên BNNX có 5-7 người; bao gồm Trưởng ban là Phó Chủ tịch UBND xã, phó ban và các nhân viên kỹ thuật như khuyến nông, khuyến ngư, bảo vệ thực vật, thú y, giao thông - thuỷ lợi và quản lý đê nhân dân (ở những xã có đê). BNNX được thành lập và hoạt động đã phân định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của UBND xã với nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh của HTXNN theo Luật HTX. Nhìn chung BNNX đã có nhiều cố gắng tham mưu với UBND chỉ đạo, hướng dẫn và điều hành sản xuất nông nghiệp. Đây là bước đổi mới về quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn; giảm một số khoản đóng góp về điều hành sản xuất, dự tính, dự báo phòng trừ sâu bệnh theo đầu sào (đơn giá dịch vụ theo đầu sào giảm 4 nghìn đồng/sào/vụ, toàn tỉnh số tiền giảm thu từ đầu sào 9,5 tỷ đồng/vụ), đã được cán bộ, nhân dân đồng tình. Đánh giá bước đầu có 40-45% BNNX hoạt động khá, 30% BNNX hoạt động trung bình và 25-30% BNNX hoạt động còn yếu. Những BNNX hoạt động tích cực, tham mưu, chỉ đạo và điều hành sản xuất tốt như: Mỹ Hà, Mỹ Thành, Mỹ Thuận (Mỹ Lộc), Nam Thái, Nam Tiến (Nam Trực), Minh Tân, Trung Thành (Vụ Bản), Yên Đồng, Yên Lợi (Ý Yên), Hải Tân, Hải Tây, Hải Lộc (Hải Hậu)... Hội nghị cũng chỉ ra những khó khăn, tồn tại và nguyên nhân của những tồn tại đó. Trong thời gian tới, các huyện, thành phố tổ chức sơ kết đánh giá kết quả hoạt động của BNNX, kết quả chuyển đổi của HTXNN, rà soát, bổ sung, nâng cao chất lượng cán bộ, nhân viên BNNX bảo đảm đủ số lượng và từng bước chuẩn hoá; bố trí địa điểm làm việc, kinh phí hoạt động cho BNNX. Các Sở Nội vụ, NN-PTNT, Tài chính phối hợp với các huyện, thành phố có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ nhân viên BNNX. BNNX nhanh chóng khắc phục tồn tại, hạn chế, trước mắt tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền rà soát, bổ sung hoàn thành xây dựng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới; xây dựng, triển khai kế hoạch làm thuỷ lợi nội đồng, tập trung cày ải, chuẩn bị giống, phân bón và các điều kiện cho sản xuất vụ xuân 2011; tăng cường giám sát, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; xây dựng và triển khai đề án xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015. Vừa củng cố BNNX vừa tạo điều kiện cho các HTXNN chuyển đổi theo luật, tạo hành lang pháp lý ưu tiên cho các HTXNN tham gia thực hiện tốt các dịch vụ thiết yếu tiến tới mở rộng dịch vụ kinh doanh đa dạng mà Nhà nước cho phép. Đồng thời bố trí đủ phó BNNX thực sự có chuyên môn, kinh nghiệm chỉ đạo, điều hành sản xuất nông nghiệp; các xã, thị trấn bố trí đủ mỗi xã có một công chức xã chuyên trách thực hiện nhiệm vụ NN-PTNT trực tiếp làm  phó BNNX; điều chỉnh nâng mức phụ cấp của các nhân viên BNNX lên 0,8-1,2 mức lương tối thiểu tuỳ theo trình độ chuyên môn (đại học 1,2; trung cấp 1,0; sơ cấp 0,8); đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài chính bố trí tăng kinh phí hoạt động của BNNX trong dự toán ngân sách hàng năm.

Kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định vai trò của BNNX trong tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền về chỉ đạo tổ chức sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy HTXNN chuyển đổi theo Luật HTX. Tới đây, yêu cầu UBND các huyện, thành phố rà soát lại đội ngũ và các thành viên trong BNNX theo hướng dẫn của Sở Nội vụ và Sở NN-PTNT để phân tích cụ thể: Số cán bộ được đào tạo chính quy, đào tạo tại chức; ai chưa được đào tạo để tổ chức cho đi đào tạo ngay những người còn độ tuổi và đào tạo đúng theo chuyên ngành. Vừa tổ chức đào tạo vừa tổ chức tập huấn thường xuyên cập nhật kiến thức mới, công nghệ mới. Phòng NN-PTNT đề xuất, tham mưu với huyện, sở, ngành để quản lý và tổ chức BNNX hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực về nông nghiệp, cụ thể đề xuất hướng dẫn BNNX nội dung gì, vấn đề gì… thật thiết thực. Sở NN-PTNT chỉ đạo các trung tâm xây dựng chương trình và tổ chức tập huấn cho BNNX về khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, BVTV… theo hình thức "cầm tay chỉ việc", sau đó kiểm tra lại hoạt động của từng thành viên BNNX. Giao cho Sở Nội vụ nghiên cứu mức phụ cấp cho phù hợp với công việc của từng thành viên trong BNNX bảo đảm hài hoà với các chức danh của cán bộ, viên chức xã. Hướng tới xây dựng NTM, tỉnh sẽ tăng cường kinh phí cho hoạt động sản xuất nông nghiệp tại xã. Riêng nơi làm việc của BNNX thì UBND xã phải có trách nhiệm bố trí./.

Tin, ảnh: Tuấn Anh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com