Sáng 20-10-2010, tại TP Nam Định, Tập đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức lễ khởi công xây dựng Bảo tàng ngành Dệt May Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Khắc Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Vũ Đức Giang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam tới dự.
Đồng chí Nguyễn Khắc Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ và lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam tham quan Nhà truyền thống của Tổng Cty cổ phần Dệt May Nam Định. |
Ngành Dệt May Việt Nam có truyền thống cách mạng, gắn liền với quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các thế hệ công nhân ngành Dệt May Việt Nam đã đóng góp sức người, sức của, xung kích lên đường nhập ngũ, chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh cách mạng, bảo vệ Tổ quốc. Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành Dệt May cũng là một trong những ngành đi đầu trong công cuộc xây dựng đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế, vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng các phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Với mục đích lưu giữ, giáo dục các thế hệ công nhân trong ngành cũng như các tầng lớp nhân dân về truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của thế hệ cha anh, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã thống nhất chọn Nhà truyền thống, lưu niệm của Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định (nay là Tổng Cty Cổ phần Dệt May Nam Định) để xây dựng Nhà Bảo tàng ngành Dệt May Việt Nam. Theo dự án, Bảo tàng có diện tích 1,2 ha, tổng mức đầu tư là 30 tỷ đồng, được chia làm hai giai đoạn, tiến độ toàn dự án là 21 tháng, gồm các hạng mục như: Nhà trưng bày, nhà hội trường, cụm tượng đài, kho bảo quản, cảnh quan công viên cây xanh và một số hạng mục phụ trợ khác.
Phát biểu tại lễ khởi công, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Ngành Dệt May Việt Nam nói chung và Dệt May Nam Định có lịch sử xây dựng và phát triển gắn liền với công cuộc đấu tranh cách mạng chống xâm lược và xây dựng, kiến thiết đất nước. Trong đó, Nam Định không chỉ là một trung tâm lớn của ngành Dệt May của cả nước, mà còn là cái nôi của các phong trào cách mạng, vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ về thăm. Với quy mô và ý nghĩa to lớn, Bảo tàng ngành Dệt May Việt Nam khi hoàn thành, đi vào hoạt động sẽ là một công trình văn hóa lưu giữ, trưng bày các hiện vật, hình ảnh giới thiệu với các tầng lớp nhân dân, bạn bè quốc tế về truyền thống cao đẹp trong đấu tranh chống xâm lược, lao động sản xuất; giáo dục truyền thống yêu nước, chủ động, sáng tạo cho thế hệ trẻ, góp phần vào sự nghiệp CNH-HĐH, phát triển quê hương, đất nước./.
Tin, ảnh: Việt Thắng