Ngày 13-10-2010, HĐND thành phố Nam Định khoá XIV đã tổ chức kỳ họp chuyên đề tổng kết các đề án phát triển kinh tế - xã hội được HĐND phê chuẩn trong nhiệm kỳ 2004-2011. Đồng chí Trần Lương Bằng, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tới dự.
Tại kỳ họp, UBND thành phố đã báo cáo việc thực hiện các đề án phát triển kinh tế - xã hội gồm: Đề án phát triển hệ thống y tế xã, phường đến năm 2010; Đề án phát triển giáo dục mầm non đến năm 2010; Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2008-2010; Đề án nâng cao độ đồng đều về chất lượng các trường tiểu học và trung học cơ sở giai đoạn 2009-2015; Đề án cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng; Đề án quản lý, giáo dục thanh thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật; Đề án bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Nhìn chung, các đề án đều đã được triển khai nghiêm túc và đạt hiệu quả thiết thực. Về phát triển giáo dục mầm non, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp vượt 4,4% so với mục tiêu đề án. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ luôn dẫn đầu toàn tỉnh. Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đã chuyển đổi được tổng diện tích 48ha góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống nông dân. Thực hiện bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố đã giảm cả 3 chỉ tiêu về số vụ tai nạn nghiêm trọng, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông. Trật tự đô thị và vệ sinh môi trường thành phố được duy trì. Về thực hiện nâng cao độ đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các trường tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố đã tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Cơ sở vật chất được tăng cường cho các trường khó khăn. Công tác xã hội hoá giáo dục được đẩy mạnh, chất lượng giáo dục đồng đều hơn. Việc triển khai thực hiện đề án cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2005-2010 được tiến hành nghiêm túc và đạt hiệu quả. Số người nghiện mỗi năm bình quân giảm 7,58%. Kết quả thực hiện đề án quản lý, giáo dục thanh thiếu niên hư, có nguy cơ vi phạm pháp luật giai đoạn 2009-2010, đã lập hồ sơ đưa vào giáo dục, quản lý 293 đối tượng và đã có 95 đối tượng tiến bộ. Đề án được thực hiện nghiêm túc và bước đầu có hiệu quả./.
Phạm Quốc Tuấn