Ngày 26-8-2010, Chính phủ đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với các tỉnh, thành phố về "dự báo nhu cầu nguồn nhân lực qua đào tạo". Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị ở tỉnh ta có đồng chí Bùi Đức Long, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Từ năm 2001-2009, nền kinh tế nước ta đã đạt tốc độ tăng trưởng cao, GDP tăng trung bình khoảng 7%/năm; cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch mạnh theo hướng CNH-HĐH đòi hỏi nguồn nhân lực phải nâng cao chất lượng. Tuy nhiên tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ở nước ta còn thấp, năm 2006 đạt 20,2%, năm 2009 đạt 28,2%, ước tính năm 2010 đạt 30%; tình trạng các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài "khát” lao động kỹ thuật ngày càng trầm trọng. Lao động chuyển dịch từ khu vực nông - lâm - ngư nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ cần phải được đào tạo nghề hàng năm khá lớn (khoảng trên 0,6 triệu lao động/năm). Mục tiêu đến năm 2020 là đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, khi đó, theo dự báo, về kinh tế, GDP là 180-200 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng GDP/năm giai đoạn 2011-2020 từ 7% đến 8%. GDP bình quân đầu người là 3000-3200 USD. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người/năm giai đoạn 2011-2020 khoảng 7,9%-8,6%/năm. Đến năm 2020, tỷ trọng giá trị nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ trong GDP tương ứng là 10%-44%-46%. Về xã hội, dự báo dân số năm 2020 ước khoảng 97,40 triệu người, tăng bình quân 1%/năm. Dự báo lực lượng lao động trong độ tuổi lao động năm 2020 là 52,41 triệu người, tăng bình quân khoảng 1%/năm. Lao động nông, lâm nghiệp, ngư nghiệp giảm từ 48,7% năm 2010 xuống còn 30% vào năm 2020, tương ứng lao động công nghiệp - xây dựng tăng từ 22,7% năm 2010 lên 33,7%, lao động dịch vụ từ 28,6% năm 2010 lên 36,2% năm 2020. Về lao động qua đào tạo, dự báo nhu cầu lao động qua đào tạo nghề đến năm 2015 ước đạt 45% tổng lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 15% so với 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề theo các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 28,5%, công nghiệp chiếm 53,5%, dịch vụ là 48%. Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 55%, tăng 10% so với 2015. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ở lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 35%, công nghiệp, xây dựng chiếm 63%, dịch vụ 50%. Cơ cấu tỷ lệ lao động theo các cấp trình độ dạy nghề: sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng là 72%, trung cấp nghề chiếm 14,4%, cao đẳng nghề chiếm 13,6%. Lao động xuất khẩu bảo đảm 100% lao động xuất khẩu phải qua đào tạo nghề, trong đó 50% có trình độ trung cấp nghề trở lên. Đến năm 2020, bình quân mỗi năm nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của một số ngành mũi nhọn và tập đoàn, tổng Cty cần lao động qua đào tạo là 60-70 ngàn người, trong đó 80% có trình độ trung cấp trở lên.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khảo sát về quy mô, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ lao động của lao động; hệ thống các trường đào tạo nghề và năng lực đào tạo; quản lý nhà nước về chính sách và đào tạo; đầu tư của chính quyền, của địa phương, của nhân dân đối với lực lượng lao động; đánh giá về chính sách sử dụng lao động của địa phương, đặc biệt là chính sách tiền lương và nhà ở cho người lao động. Trên cơ sở đó, đến ngày 30-9, các bộ, ngành, địa phương phải trả lời được hiện trạng và dự báo về nguồn lao động qua đào tạo và chậm nhất đến ngày 30-11 phải có dự báo cụ thể về hiện trạng, trong đó xác định cơ cấu lao động trong các thời kỳ và năng lực đào tạo của từng địa phương; xác định cơ chế quản lý đào tạo trên địa bàn và cho từng ngành nghề; chi phí đào tạo của địa phương và cấp quốc gia, cơ chế chi phí đào tạo suốt đời cho người lao động; chính sách sử dụng lao động, chính sách về thu hút nhân tài, chính sách về nhà ở cho người lao động bảo đảm nguồn nhân lực lâu dài cho địa phương…
Tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở GD-ĐT, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Cục Thống kê và các ngành kinh tế, kỹ thuật trên cơ sở yêu cầu, hướng dẫn của Chính phủ, đầu tháng 9 khảo sát, xây dựng kế hoạch dự báo nguồn nhân lực và đánh giá thực trạng nguồn nhân lực hiện nay để làm cơ sở xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực qua đào tạo đến năm 2020 theo kế hoạch của Chính phủ./.
Hồng Minh