Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội phải được tổ chức trang trọng và tiết kiệm

09:08, 13/08/2010

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Chiều 10-8, Ban Chỉ đạo Quốc gia Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tiến hành họp kiểm điểm tiến độ, kết quả thực hiện các hoạt động chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, cùng sự tham dự của các đồng chí Ủy viên TW Đảng: Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo báo cáo của các Tiểu ban, đến nay công việc chuẩn bị Đại lễ đang được tiến hành khẩn trương, gấp rút. Theo các kịch bản, trong 10 ngày diễn ra Đại lễ (từ ngày 1 đến 10-10), toàn bộ Vườn hoa Lý Thái Tổ sẽ được thiết kế như một cung điện, chính giữa là bức cuốn thư mang nội dung của "Thiên đô chiếu". Chung quanh và giữa hồ Hoàn Kiếm sẽ được trang trí với những tiểu cảnh bằng hoa tươi và năm sân khấu khác theo các chủ đề: "Lịch sử thành phố Anh hùng". "Thăng Long - Hà Nội - Thủ đô văn hiến"; "Thăng Long - Hà Nội - thành phố Vì hòa bình";  "Hội nhập và phát triển", "Hà Nội - trái tim của cả nước"... dành cho các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế biểu diễn phục vụ nhân dân. Đêm hội "Thăng Long Thành phố rồng bay" diễn ra tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình tối 10-10 đã được nhóm đạo diễn Trọng Đài, Lại Văn Sâm và Đỗ Minh Tuấn biên soạn xong kịch bản phân cảnh, thiết kế mỹ thuật tổng thể và bước đầu triển khai luyện tập...

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đồng ý với đề xuất của  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cắt bỏ tiết mục biểu diễn của dàn kèn đồng 1.000 người và dàn hợp xướng 1.000 người trước khán đài B và C trong Lễ diễu binh, diễu hành sáng 10-10 tại Quảng trường Ba Đình. Sở dĩ phải cắt bỏ, là vì sau khi xây dựng kịch bản tổng thể, Ban Tổ chức nhận thấy việc triển khai không hiệu quả, địa điểm dự kiến không đủ rộng, bên cạnh đó, tổng kinh phí dự trù cho việc dàn dựng, tổ chức, chi phí ăn ở đi lại cho 2.000 người là khá lớn. Tiết mục ngợi ca Hà Nội dự kiến do dàn hợp xướng này thể hiện sẽ chuyển sang khối quần chúng của TP Hà Nội biểu diễn. Việc gióng chuông chùa, chuông nhà thờ trên địa bàn Thủ đô vào đúng 6 giờ sáng 10-10 sẽ được thay bằng màn bắn 21 phát đại bác, trong lúc cử Quốc thiều trước Lễ diễu binh, diễu hành. Phương án sử dụng công nghệ hiện đại để xua mây tại Quảng trường Ba Đình trong Lễ diễu binh, diễu hành nếu trời đổ mưa cũng cắt bỏ. Đối với Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, việc đón nhận Bằng Di sản văn hóa thế giới sẽ được tổ chức chung tại Lễ khai mạc Đại lễ Kỷ niệm ngày 1-10. UBND thành phố Hà Nội phải khẩn trương hoàn thành phương án trưng bày khả dĩ nhất tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long để phục vụ nhân dân và du khách quốc tế, bởi đây là dịp tốt nhất, để quảng bá về hình ảnh Thăng Long - Hà Nội. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các hoạt động của Đại lễ phải diễn ra trên tinh thần văn minh, trang trọng và tiết kiệm./.

P.V



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com