Giao ban trực tuyến triển khai các quy chế về động đất, sóng thần của Chính phủ

02:06, 30/06/2010

Ngày 29-6-2010, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã tổ chức giao ban trực tuyến với các tỉnh, thành phố triển khai các quy chế về động đất, sóng thần của Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương chủ trì hội nghị. Tham dự giao ban tại tỉnh ta có đồng chí Trần Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thường trực Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh; Giám đốc các Sở: NN-PTNT, Thông tin - Truyền thông, Tài nguyên - Môi trường.

Quy chế báo tin động đất, sóng thần của Chính phủ gồm 4 chương, 14 điều quy định các quy chế về động đất, sóng thần ban hành ngày 16-11-2006. Tại hội nghị đã được nghe các báo cáo của Viện vật lý địa cầu về động đất, sóng thần trên thế giới và Việt Nam; các ý kiến của Bộ: NN-PTNT, Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng, Thông tin - Truyền thông, Uỷ ban TKCN Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam và ý kiến đóng góp của các tỉnh, thành phố trong cả nước xoay quanh vấn đề làm sao thông tin động đất, sóng thần sớm, thông suốt; công tác giáo dục, tập huấn, diễn tập... để các địa phương ứng phó kịp thời với động đất, sóng thần nhằm giảm tới mức thấp nhất thiệt hại khi xảy ra; xử lý sau khi động đất, sóng thần xảy ra... Tỉnh ta có 2 kiến nghị với Chính phủ và Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương là: Nam Định có kinh nghiệm trong PCLB-TKCN nhưng chưa có kinh nghiệm nhiều về động đất, sóng thần, do bờ biển của tỉnh là biển tiến bãi thoái nên xảy ra động đất, sóng thần thì thiệt hại sẽ không nhỏ; Nam Định sẽ triển khai như thế nào để giảm thiểu thiệt hại do động đất, sóng thần và yêu cầu cảnh báo động đất, sóng thần qua 7 đồn Biên phòng của tỉnh.

Kết luận hội nghị, đồng chí Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng Ban Chỉ PCLB Trung ương yêu cầu các bộ, ngành của Trung ương, các địa phương thực hiện nghiêm túc, triệt để quy chế do Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Từng bộ, ngành của Trung ương, từng địa phương rà soát lại công tác chuẩn bị triển khai công tác phòng ngừa, các biện pháp khi có và sau khi xảy ra sóng thần, động đất. Với các địa phương, phải thấy rõ trách nhiệm, có phương án thực hiện các điều được ghi trong quy chế. Từng tỉnh, huyện, xã, thôn có kịch bản để ứng phó, về lâu dài có quy hoạch cụ thể, hướng dẫn xây dựng nhà cửa, đê điều, trồng rừng phòng hộ ven biển; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, chính quyền trong việc chuẩn bị lực lượng, phương tiện thông tin, thiết bị để đối phó và ứng phó kịp thời với động đất, sóng thần, đặc biệt là bảo vệ sinh mạng cho nhân dân. Viện Vật lý địa cầu là cơ quan duy nhất phát tin động đất, sóng thần, Viện cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Ban Chỉ huy TKCN, các kênh thông tin bảo đảm tin động đất, sóng thần đến từng người, từng hộ dân. Trước mắt là các phương tiện thông tin đại chúng, lâu dài sẽ xây dựng các đài trực cảnh báo, song thông tin phải đa dạng, tận dụng các hệ thống thông tin hiện có để cảnh báo động đất, sóng thần đến tận người dân. Đồng chí Bộ trưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương khẳng định: Đối với động đất, sóng thần, thông tin là sống còn, công tác chuẩn bị là cơ sở để giảm tới mức thấp nhất thiệt hại gây ra, nhất là về người./.

Tất Thắc

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com