Tổ chức đợt cao điểm phun trừ dịch hại trên lúa đầu tháng 5

11:25, 24/04/2024

Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT), tình hình sâu trên lúa hiện nay có mật độ cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Các địa phương trong tỉnh đã tích cực đôn đốc, hướng dẫn phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 1, song trong thời gian phun trừ có nhiều ngày mưa; một số hộ dân chủ quan nên một số diện tích phun trừ chưa đạt hiệu quả cao làm lá lúa bị cuốn trắng. Hiện, trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đang vũ hóa rộ, mật độ phổ biến 3-5 con/m2. Sâu non lứa 2 sẽ nở rộ từ ngày 1-5 đến ngày 5-5; mật độ sâu cao gấp 5-7 lần các năm trước, phổ biến 150-200 con/m2 gây hại diện rộng lúa đại trà. Đây là lứa sâu gây hại chính trong vụ xuân, làm hại trực tiếp bộ lá đòng, nếu không phun trừ kịp thời sẽ gây thiệt hại nặng đến năng suất lúa. Rầy lứa 2 bắt đầu nở rộ, sẽ gia tăng mật độ đến ngày 3-5, phổ biến 500-1.000 con/m2. Bệnh khô vằn đã xuất hiện và phát triển trên tất cả các trà lúa, tỷ lệ bệnh phổ biến 3-5%, cao 15-20%; sẽ tiếp tục lây lan mạnh trên các trà lúa từ nay đến cuối vụ.

Thời tiết những ngày tới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của đợt không khí lạnh kèm theo mưa, ẩm độ không khí cao trùng vào giai đoạn lúa làm đòng - trỗ bông rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá nhỏ và rầy bùng phát và gây hại nặng trên diện rộng.

Để bảo đảm an toàn sản xuất lúa xuân 2024, Sở NN và PTNT đề nghị các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, tự phân loại các trà lúa, có biện pháp chăm sóc bổ sung phù hợp, không bón phân urê khi lúa ôm đòng - sắp trỗ, giảm thiểu sự phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu, bệnh cuối vụ, nhất là bệnh bạc lá... Tổ chức đợt cao điểm phun trừ dịch hại, phun trừ đồng loạt sâu cuốn lá nhỏ lứa 2; tập trung từ ngày 1 đến ngày 5-5 cho toàn bộ diện tích lúa xuân bằng các loại thuốc có hiệu lực cao và kéo dài như thuốc có hoạt chất Indoxacarb…; sau 5 ngày phun thuốc, kiểm tra ruộng nếu mật độ sâu sống còn hơn 50 con/m2 cần phải phun lại. Kết hợp phun trừ rầy lứa 2 cho những diện tích có mật độ rầy trên 30 con/khóm bằng thuốc có hoạt chất Nitenpyram, Pymetrozin. Đối với bệnh khô vằn, phát hiện và phun trừ cho những diện tích bệnh chớm xuất hiện bằng thuốc có hoạt chất Pencycuron, Hexaconazole. Phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông lúc lúa trỗ 3-5% số bông cho các giống nhiễm như: BC15, Nếp, Khang Dân 18..., đặc biệt là trà lúa trỗ bông trước ngày 15-5, những diện tích đã nhiễm bệnh đạo ôn lá và khi lúa trỗ gặp mưa bằng thuốc có hoạt chất Tricyclazole, Bankan 600WP, Bemgold 750WP. Nếu các đối tượng dịch hại cần phòng trừ xuất hiện cùng lúc thì có thể phối hợp các loại thuốc nhưng cần giữ nguyên nồng độ của mỗi loại; trong thời gian 4 giờ sau phun nếu gặp mưa phải phun lại./.

Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com