Cục diện phức tạp

09:17, 13/03/2024

Ngày 11-3, quốc kỳ của Thụy Điển được kéo lên tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels (Bỉ), đánh dấu quốc gia Bắc Âu chính thức trở thành thành viên thứ 32 của liên minh quân sự lớn và lâu đời nhất thế giới này. 

Ngày 7/3/2024, Thụy Điển đã chính thức trở thành thành viên thứ 32 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sau khi Thủ tướng nước này Ulf Kristersson (trong ảnh) chuyển các tài liệu gia nhập cho Chính phủ Mỹ tại một buổi lễ ở Washington, DC.
Ngày 7/3/2024, Thụy Điển đã chính thức trở thành thành viên thứ 32 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sau khi Thủ tướng nước này Ulf Kristersson (trong ảnh) chuyển các tài liệu gia nhập cho Chính phủ Mỹ tại một buổi lễ ở Washington, DC.

Sự kiện này sẽ thay đổi đáng kể cán cân địa - chính trị trong khu vực cũng như môi trường an ninh tại châu Âu, vốn đã có nhiều biến động vì xung đột Nga - Ukraine.

Đánh giá về việc kết nạp Thụy Điển, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố: “Thụy Điển có lực lượng vũ trang có năng lực và nền công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới. Việc Thụy Điển gia nhập làm cho NATO mạnh hơn”.

Mặc dù số lượng không đông, song quân đội Thụy Điển được đánh giá là được huấn luyện rất bài bản và trang bị hiện đại, nên về sức mạnh quân sự, những năm gần đây, nước này luôn nằm trong nhóm 30 nước và vùng lãnh thổ đứng đầu (trong số trên 140 quốc gia/vùng lãnh thổ) trong Bảng xếp hạng hỏa lực toàn cầu. Thụy Điển là quốc gia có lực lượng hải quân mạnh với các tàu ngầm tiên tiến, quen hoạt động ở vùng biển Baltic nông. Ngoài hải quân, Thụy Điển còn sở hữu một trong những lực lượng không quân lớn nhất châu Âu với khoảng 100 máy bay chiến đấu. Điều này có nghĩa là các quốc gia NATO ở Đông Bắc Âu có thể chủ động việc giám sát không phận khu vực.

Với vị trí là mắt xích quan trọng kết nối Bắc cực với biển Baltic và Đại Tây Dương, việc Thụy Điển gia nhập NATO đã làm thay đổi đáng kể cục diện địa - chính trị ở khu vực này. Giờ đây, ngoại trừ Nga, tất cả các nước ven biển Baltic đều là thành viên NATO. Điều đó sẽ giúp NATO có lợi thế chiến lược ở biển Baltic. Giới phân tích đánh giá trong trường hợp xung đột giữa NATO và Nga ở biên giới phía Đông leo thang, Thụy Điển sẽ là nơi trung chuyển quan trọng về hậu cần và quân đội.

NATO cũng có thể mở rộng ảnh hưởng ở Bắc cực thông qua việc Thụy Điển gia nhập. Hiện nay, 7/8 quốc gia trong Hội đồng Bắc cực là thành viên NATO (ngoại trừ Nga). Đây được xem là khu vực có tầm quan trọng chiến lược và có khả năng xảy ra tranh chấp trong tương lai bởi tiềm năng về những nguồn tài nguyên và tuyến vận chuyển ngắn hơn đang còn ẩn giấu dưới lớp băng tan chảy tại vùng cực.

Đối với Thụy Điển, quyết định gia nhập NTO được cho sẽ giúp nước này có được sự đảm bảo an ninh trong bối cảnh cấu trúc an ninh châu Âu đã thay đổi. Tuy nhiên, việc nước này từ bỏ chính sách không liên kết cũng có thể mang tới những hệ lụy phức tạp. Chính sách không liên kết cho phép Thụy Điển duy trì tính độc lập trong chính sách đối ngoại, đồng thời giúp tạo dựng danh tiếng của nước này như một quốc gia trung lập và hòa bình, nhờ đó Thụy Điển có thể theo đuổi vai trò tích cực trong quan hệ quốc tế và giải quyết xung đột. Nay với việc gia nhập liên minh quân sự, vai trò này không còn.

Đối với ổn định và an ninh khu vực, như tuyên bố của Đại sứ quán Nga tại Stockholm, việc Thụy Điển gia nhập “khối quân sự thù địch với Nga” sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định ở Bắc Âu và khu vực Baltic, nơi vốn từng một trong những khu vực ổn định nhất thế giới. Sau khi NATO kết nạp Phần Lan và Thụy Điển, danh sách các “quốc gia trung lập” ở châu Âu ngày càng ít dần, điều này tạo ra nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO. Nga coi việc Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên NATO là “mối đe dọa đáng kể với an ninh của Moskva” và cảnh báo về những động thái phản ứng trước những bước tiến của NATO.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh, Chính phủ Nga sẽ giám sát chặt chẽ cách Thụy Điển hành xử trong “khối quân sự hiếu chiến” và dựa trên điều này, Nga sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa mang tính chất chính trị và quân sự - kỹ thuật để ngăn chặn các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Nội dung chính xác của các biện pháp sẽ phụ thuộc vào các điều kiện và mức độ hội nhập của Thụy Điển vào NATO, chẳng hạn như khả năng triển khai quân đội và vũ khí của NATO tới quốc gia Scandinavia này.

Trên thực tế, khi Phần Lan gia nhập NATO, Nga thông báo thành lập quân khu mới để củng cố các vị trí của nước này gần biên giới Phần Lan. Theo các chuyên gia quân sự, nếu NATO điều lực lượng hoặc lắp đặt các khí tài quân sự đến Phần Lan và Thụy Điển, Nga có thể sẽ đáp trả quyết liệt và cứng rắn hơn. Điều đó càng thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang tại châu Âu, khiến căng thẳng, xung đột và đối đầu thêm trầm trọng, không có lợi cho hòa bình và an ninh khu vực.

Như vậy, có thể khẳng định việc NATO kết nạp Thụy Điển và Phần Lan chắc chắn sẽ thay đổi môi trường an ninh châu Âu, làm căng thẳng hơn mối quan hệ giữa khối này với Nga, khiến cục diện địa - chính trị khu vực trở nên phức tạp hơn. Tình hình này cũng khiến triển vọng giải quyết các vấn đề khu vực, như cuộc xung đột Nga - Ukraine, thêm khó khăn./.

Theo baotintuc


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com