Phát huy giá trị thương hiệu sản phẩm để phát triển thị trường

07:56, 22/04/2024

Để khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường trong nền kinh tế hội nhập quốc tế sâu rộng với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt là việc không dễ song doanh nghiệp rất quan tâm bởi giá trị của thương hiệu là "quyền lực mềm" mang lại nhiều giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, thể hiện tầm nhìn, nền tảng văn hóa của doanh nghiệp. Thời gian gần đây, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ về nhiệm vụ xây dựng và phát triển thương hiệu. 

Đóng gói sản phẩm ngao nguyên vỏ tại Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam (thành phố Nam Định).
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Đóng gói sản phẩm ngao nguyên vỏ tại Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam (thành phố Nam Định). 

Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh mặc dù có quy mô vừa và nhỏ nhưng luôn quan tâm và nỗ lực xây dựng, phát triển thương hiệu. Trong đó Công ty TNHH Nam Dược, Cổ phần Dược phẩm Nam Hà là các đơn vị tiêu biểu trong khối doanh nghiệp sản xuất dược phẩm trên toàn quốc; Công ty Cổ phần May Sông Hồng thuộc tốp những doanh nghiệp may công nghiệp và sản xuất chăn, ga, gối, đệm hàng đầu Việt Nam... Cùng với đó, các đơn vị như Công ty TNHH một thành viên Minh Dương; Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam là những đơn vị xuất sắc trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng thực phẩm chế biến sẵn… Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia các giải thưởng quốc gia có uy tín: “Thương hiệu quốc gia Việt Nam”, “Giải thưởng Chất lượng quốc gia”. Qua đó, nhiều doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh như các Công ty: TNHH Nam Dược, Cổ phần Dược phẩm Nam Hà, Cổ phần May Nam Hà; TNHH Cơ khí Đình Mộc, TNHH Một thành viên Minh Dương, Cổ phần Dược phẩm PQA, Cổ phần Dược phẩm Minh Dân… liên tục được ghi danh tại các giải thưởng quốc gia đã góp phần quan trọng thiết lập vị thế mới cho doanh nghiệp ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Đặc biệt, trong những năm gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và khủng hoảng kinh tế khiến việc kinh doanh trở nên khó khăn nhưng các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thực phẩm như: TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam; TNHH Một thành viên Minh Dương đều có những bước phát triển ngoạn mục ở cả thị trường trong nước và thế giới. Trong đó, Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam đã phát triển nuôi trồng, khai thác, đánh bắt, chế biến và kinh doanh thương mại các loại ngao và nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Với dây chuyền công nghệ tiên tiến hiện đại của châu Âu đạt tiêu chuẩn quốc tế, Công ty đã được tổ chức SGS cấp chứng chỉ FSSC 22000 (Hệ thống an toàn thực phẩm), chứng nhận Halal và sản phẩm Chất lượng vàng Thủy sản Việt Nam. Đến hết năm 2023, Công ty chế biến được trên 10 nghìn tấn sản phẩm và xuất khẩu hơn 80% sản lượng sang thị trường khối EU và các nước Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc. Ngoài việc chuẩn hóa vùng nuôi đạt chứng nhận ASC cho chuỗi giá trị ngao, Công ty tiếp tục xây dựng trại sản xuất ngao giống công nghệ cao và mô hình nuôi ngao trong các ao, đầm để đảm bảo nguồn cung ổn định, bền vững, chất lượng tốt, hạ giá thành, thúc đẩy ngành chế biến ngao phát triển với nhiều sản phẩm mới theo hướng giá trị gia tăng cho nhiều thị trường khác nhau.

Việc xây dựng thương hiệu không giới hạn ở những doanh nghiệp lớn, khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất trong làng nghề hay các hợp tác xã đều nỗ lực xây dựng củng cố, khẳng định thương hiệu trên thị trường. Năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn 44 cơ sở tự công bố tiêu chuẩn chất lượng cho trên 82 sản phẩm các loại: rau, gạo, nông sản chế biến, sản phẩm thủy sản, thịt và sản phẩm từ thịt, muối... Đồng thời hỗ trợ thêm 100 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chí chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Lũy kế đến hết năm 2023 toàn tỉnh có 431 sản phẩm OCOP (376 sản phẩm OCOP 3 sao, 54 sản phẩm OCOP 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng OCOP 5 sao). Đây là điểm khởi đầu quan trọng để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bắt đầu quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của mình. Trong đó, nhiều thương hiệu nông sản lớn của tỉnh không chỉ thành công với thị trường trong nước mà đã thâm nhập và có chỗ đứng tại các thị trường xuất khẩu như: Gạo sạch Toản Xuân (Công ty TNHH Toản Xuân); muối NADISALT (Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định); tép moi (Công ty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương); kẹo Sìu châu (Công ty TNHH Kim Thành Hoa)... Năm 2023, trong bản đồ thương hiệu nông sản của tỉnh tiếp tục ghi danh các sản phẩm mang hàm lượng công nghệ cao như: hạt giống nảy mầm siêu nhanh của Nông trại Cờ đỏ, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng); giấm mơ trà xanh truyền thống và nước cốt mơ ở làng Bách Cốc, xã Thành Lợi (Vụ Bản); muối hầm Pampa của Công ty Cổ phần chế biến và kinh doanh thực phẩm Đông Nam Á, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc); bột gia vị Hother ATP của Công ty Cổ phần Hother ATP (thành phố Nam Định); nấm tươi và các sản phẩm chế biến từ nấm…

Để đạt những kết quả quan trọng này, trong hành trình xây dựng thương hiệu, các ngành chức năng, các cấp chính quyền đã tích cực đồng hành, thực hiện đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch các vùng sản xuất, tạo điều kiện về quỹ đất để sử dụng đất đai, chính sách thuế, vốn vay, xúc tiến thương mại và cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp. UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo việc thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, tận dụng tốt cơ hội thu hút đầu tư mới; các ngành, các địa phương tập trung khai thác các chương trình hỗ trợ thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh theo tiêu chí riêng của ngành mình, tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng, phát triển thương hiệu. Trong đó, ngành Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; nhân rộng mô hình khuyến công, xúc tiến thương mại và tham gia Giải thưởng Thương hiệu quốc gia. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm qua việc chỉ đạo, tổ chức triển khai áp dụng hàng loạt quy trình sản xuất an toàn, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt là Chương trình mỗi xã một sản phẩm… Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia và Giải thưởng Chất lượng quốc tế; hỗ trợ thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, ghi nhãn hàng hoá, công bố hợp chuẩn, hợp quy, đăng ký sử dụng mã số, mã vạch, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo lập và phát triển cho nhãn hiệu tập thể.

Xây dựng và phát triển thương hiệu đang là vấn đề quan trọng cốt lõi của mỗi sản phẩm. Thời gian tới, để tiếp tục tạo đà cho thương hiệu phát triển nhanh chóng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần chủ động nâng cao năng suất, chất lượng, đưa ra mức giá sản phẩm hợp lý và tạo được sự riêng biệt và giá trị nhận diện của sản phẩm thông qua 2 yếu tố cơ bản là mẫu mã bao bì và chiến lược phân phối hàng hóa. Trong quá trình đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất rất cần sự đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp từ phía chính quyền, các ngành chức năng./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com