Phú Yên: Xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực

07:06, 05/06/2019

 

UBND tỉnh Phú Yên vừa phê duyệt đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Phú Yên giai đoạn 2019-2020 và định hướng đến năm 2030 (Chương trình OCOP).

Mục tiêu của đề án nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, ưu tiên phát triển hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ và vừa để sản xuất các sản phẩm và dịch vụ du lịch có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ việc đăng ký xây dựng thương hiệu đối với 24 sản phẩm chủ lực; hoàn thiện tiêu chuẩn hóa khoảng 57 sản phẩm, dịch vụ nông thôn hiện có; phát triển mới 25 sản phẩm (tăng theo các năm, tập trung vào việc chế biến sản phẩm theo chuỗi); hình thành từ ba đến bốn làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa và tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP.

Phú Yên đề ra mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn đầu, có ít nhất ba sản phẩm đạt 5 sao cấp tỉnh, một sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia; từ 40 tổ chức kinh tế trở lên tham gia Chương trình OCOP, trong đó lựa chọn, củng cố 25 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ du lịch sinh thái nông thôn hiện có của các địa phương. Đến năm 2030, tỉnh phát triển 200 sản phẩm là lợi thế của địa phương; phát triển mới ít nhất 40 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP.

Vĩnh Phúc: Hỗ trợ máy nông nghiệp cho nông dân

Theo báo cáo Trung tâm Khuyến nông và Khuyến ngư tỉnh Vĩnh Phúc, để nâng cao hiệu quả sản xuất, Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân; trong đó, chương trình hỗ trợ nông dân mua máy móc, thiết bị sản xuất với kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2019, Vĩnh Phúc đầu tư hơn 11 tỷ đồng hỗ trợ nông dân mua máy nông nghiệp; chủ yếu là máy vắt sữa bò, máy thái cỏ, máy nghiền, trộn thức ăn chăn nuôi lợn, gà; máy làm đất với tổng số 628 máy, hiện đang triển khai ở các địa phương.

Mức hỗ trợ cho các nông hộ mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp là 50% chi phí mua mới nhưng không quá 75 triệu đồng/máy đối với máy làm đất công suất trên 35 mã lực; máy cấy và máy gặt đập liên hợp, không quá 8 triệu đồng/máy đối với máy lên luống, 25 triệu đồng/máy…

Theo Trung tâm Khuyến nông và Khuyến ngư tỉnh Vĩnh Phúc, việc hỗ trợ mua máy nông nghiệp hiện nay tập trung vào các máy phục vụ sản xuất, thu hoạch. Máy làm đất có công dụng xới đất, lên luống, đánh cỏ, làm đất, rạch rãnh cho các loại cây trồng như lúa, ngô, rau màu…, giúp bà con nông dân giảm sức lao động và tăng năng suất lao động được gần 2,5 triệu đồng/ha so với lao động thủ công. Máy làm đất công dụng phay đất làm cho đất được nhuyễn, giúp cho bà con nông dân giảm được công lao động do không phải trực tiếp cày bừa thủ công, giảm được chi phí làm đất từ 80-100 nghìn đồng/sào./.

PV




BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com