Đà Nẵng: Vận hành ứng dụng tiếp nhận góp ý, phản ánh của người dân

09:02, 24/02/2016

Kênh ứng dụng Góp ý (gopy.danang.gov.vn) sẵn sàng nhận mọi góp ý, phản ánh của người dân, với mục đích huy động cộng đồng cùng xây dựng thành phố ngày càng tốt đẹp hơn.

Tại đây, các tổ chức, cá nhân được khuyến khích đóng góp ý kiến, phản ánh các vấn đề liên quan đến môi trường, giao thông đô thị, an toàn xã hội… Trung tâm sẽ là đầu mối chuyển các kiến nghị của người dân đến cơ quan liên quan xử lý và theo dõi, phản hồi kết quả xử lý trên ứng dụng đến người đưa kiến nghị.

Giao diện Kênh ứng dụng Góp ý gopy.danang.gov.vn.
Giao diện Kênh ứng dụng Góp ý gopy.danang.gov.vn.

UBND Thành phố Đà Nẵng yêu cầu, các cơ quan phải xử lý góp ý, phản ánh trong 3 ngày làm việc. Đối với các nội dung góp ý, phản ánh phức tạp hoặc liên quan đến nhiều cơ quan, Trung tâm sẽ báo cáo UBND thành phố để chỉ đạo xử lý.

Với việc mở ứng dụng Góp ý này, Đà Nẵng kỳ vọng sẽ tạo thêm một kênh tiếp nhận chính thống, công khai và đáng tin cậy của chính quyền thành phố, để từ đó các cấp, các ngành kịp thời xử lý những vấn đề còn tồn đọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn mà ngành, địa phương mình quản lý.

Được biết, trong năm 2015, Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng đã nhận 520 lượt phản ánh, góp ý của người dân chuyển Tổ liên ngành 43 thành phố và các cơ quan liên quan xử lý kịp thời; đồng thời có phản hồi cho người dân biết kết quả xử lý.

Bình Thuận: Hơn 40 nghìn hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt

Ngày 21-2, Đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát dẫn đầu, đã về kiểm tra tình hình hạn hán và việc triển khai các giải pháp chống hạn tại tỉnh Bình Thuận.

Sau khi đi thực tế tại một số công trình thủy lợi, Đoàn công tác nhận định, thời điểm hiện tại nắng hạn đang diễn ra gay gắt tại Bình Thuận. Lượng nước tích trữ tại tất cả các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn chỉ còn khoảng 111 triệu m3, chỉ đạt xấp xỉ 50% dung tích thiết kế. Lượng nước còn tích trữ thiếu hụt trầm trọng nên đã khiến việc sản xuất nông nghiệp của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại, hơn 40 nghìn hộ dân của tỉnh đang thiếu nước sinh hoạt hằng ngày và tình trạng này trong thời gian tới sẽ còn tiếp diễn nghiêm trọng hơn. 

Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị tỉnh Bình Thuận sử dụng thật tiết kiệm nguồn nước tích trữ được, đồng thời cần tích cực chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, nhất là giảm diện tích lúa, trồng các loại cây ngắn ngày khác tiết kiệm nước hơn, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm hỗ trợ địa phương hơn 106 tỷ đồng khắc phục hạn hán. Trong đó, việc hỗ trợ hạt giống khôi phục sản xuất, cấp kinh phí cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, nạo vét kênh mương, tu sửa công trình thủy lợi trong vụ đông xuân và các công trình chống hạn mùa khô 2016 được quan tâm hàng đầu.

Hòa Bình: Chuẩn bị 50ha đất sạch để thu hút đầu tư

Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh về tìm các giải pháp thu hút đầu tư, năm 2016, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình đã lập biểu đồ tiến độ về đầu tư hạ tầng, phấn đấu trong năm có 50ha đất sạch để sẵn sàng thu hút đầu tư, nhất là đối với các doanh nghiệp dệt may, đón làn sóng đầu tư TPP.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, Ban Quản lý đang nghiên cứu điều chỉnh đơn giá thuê hạ tầng tại KCN theo hướng giảm xuống hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư. Cung cấp các dịch vụ tiện ích, bảo đảm cung ứng điện ổn định, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động, thành lập cơ sở hải quan tại KCN Lương Sơn, cơ sở phòng chữa cháy, chăm sóc, hỗ trợ tối đa cho các dự án đầu tư đi vào hoạt động hiệu quả. 

Là một tỉnh miền núi Tây Bắc, cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, Hòa Bình có vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên phong phú và lực lượng lao động dồi dào. Song lợi thế đó chưa được phát huy, nhiều năm qua lĩnh vực thu hút đầu tư chưa có bước bứt phá so với nhiều tỉnh, thành phố khác. Năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 31 dự án được cấp phép đầu tư; trong đó có 4 dự án FDI với vốn đăng ký 4 triệu USD và 27 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 2.549 tỷ đồng. So với năm 2014 số vốn dự án đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm mạnh. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 421 dự án; trong đó có 31 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 468 triệu USD, đăng ký sử dụng gần 670ha đất và 389 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 45.975 tỷ đồng. Riêng KCN Lương Sơn đã thu hút được 28 dự án đầu tư; trong đó có 13 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 232,7 triệu USD./.

Theo chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com