Mỹ Trung xây dựng nông thôn mới nâng cao

06:01, 15/01/2020

Sau khi được UBND tỉnh công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới” (năm 2017), Đảng uỷ, UBND xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) đã phát động các phong trào, vận động xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững và phát triển. Trong đó, tập trung giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí, phát triển sản xuất, tạo cảnh quan môi trường “sáng - xanh - sạch - đẹp”, phấn đấu trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2025.

Thi công nâng cấp tuyến đường trục xã Mỹ Trung dài 1,3km.
Thi công nâng cấp tuyến đường trục xã Mỹ Trung dài 1,3km.

Thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 6-6-2018 của UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, xã Mỹ Trung đã ban hành Đề án xây dựng nông thôn mới nâng cao; xây dựng các kế hoạch, mục tiêu cụ thể, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thể chế hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Quá trình triển khai các kế hoạch, mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng, lâu dài nhằm phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Người dân ở cả 12 thôn, xóm trong xã đoàn kết, thi đua giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Trong sản xuất nông nghiệp, xã tập trung chỉ đạo chuyển đổi sản xuất theo vùng, phát triển các mô hình tổng hợp nuôi thủy sản và trang trại chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trên địa bàn xã đã hình thành một số mô hình sản xuất quy mô lớn như: Mô hình nuôi cá kết hợp trồng mướp hương rộng 30ha với trên 300 hộ tham gia cho thu nhập bình quân từ 350-400 triệu đồng/ha/năm; mô hình chăn nuôi theo chuẩn VietGAP của trang trại Tamago diện tích 7.000m2 nuôi khoảng 6.000 gà đẻ trứng, sản lượng bình quân 5.000 quả/ngày cho doanh thu 3 tỷ đồng/năm. Sản phẩm trứng gà của trang trại Tamago được Trung tâm Khoa học Công nghệ và Phát triển nông thôn (Tổng Công ty Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chí sản phẩm nông nghiệp uy tín chất lượng cao. Với nhiều hình thức phát triển kinh tế hiệu quả, đến nay, đời sống của người dân trong xã được cải thiện căn bản, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 2%, tỷ lệ hộ khá, giàu tăng nhanh, người dân trong xã tích cực tham gia xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng xã hội. Cùng với nguồn ngân sách Nhà nước và xã hội hóa, xã có cơ chế hỗ trợ mỗi thôn, xóm từ 5-10% kinh phí cải tạo, xây dựng nhà văn hóa, 30% kinh phí xây dựng hệ thống giao thông, 50% kinh phí xây dựng đường nội đồng… Để phát huy vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn mới, xã vận động nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi đảm bảo phù hợp với sức dân, các khoản thu chi được công khai minh bạch. Nhân dân trong xã đã hiến gần 3ha đất, đóng góp hàng nghìn ngày công lao động tham gia xây kè, đổ bê tông hơn 17km đường giao thông thôn, xóm, hơn 4km giao thông nội đồng; xây dựng mới và cải tạo 12 nhà văn hóa thôn, xóm với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng; trong đó, nhiều hộ gia đình trong xã tự nguyện đóng góp từ 1,2-2,5 triệu đồng/người. Trên địa bàn xã xuất hiện nhiều “Mạnh Thường Quân” đóng góp xây dựng nông thôn mới; tiêu biểu như gia đình các ông: Trần Văn Mùi, thôn 8 đóng góp 100 triệu đồng; Bùi Văn Nam, thôn 10 đóng góp 50 triệu đồng; Mai Đình Trản, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn 5 đóng góp 10 triệu đồng; Trần Văn Chung, Chi hội trưởng chi Hội Cựu chiến binh thôn 10 đóng góp trên 70 triệu đồng… Để tạo cảnh quan môi trường nông thôn mới “sáng - xanh - sạch - đẹp”, các tổ chức hội, đoàn thể ở xã đã tích cực vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân trồng hoa, cây xanh các tuyến đường giao thông nông thôn. Đến nay, hầu hết các tuyến đường giao thông từ xã đến các thôn, xóm đều được trồng hoa, cây xanh, lắp điện chiếu sáng. Xã đã xây dựng được 1,7km đường kiểu mẫu thuộc địa phận đê Hữu Bị, hơn 5km đường hoa ở các trục đường chính; 80% đường dong ngõ xóm có đèn chiếu sáng, 100% đường trục xã có cây bóng mát, cây xanh. Thực hiện phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường được các cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, xã chọn các thôn đạt danh hiệu “Làng văn hoá” xây dựng mô hình điểm: “Đoàn viên, thanh niên thu gom rác thải”, “Đường hoa do chi Hội Phụ nữ, chi Hội Cựu chiến binh tự quản”. Vào ngày chủ nhật hàng tuần, các dịp lễ, tết trong năm, các hoạt động xuống đường dọn vệ sinh, thu gom, xử lý rác thải được hội viên, đoàn viên thanh niên hưởng ứng nhiệt tình. Đối với các tiêu chí về văn hóa, việc thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội được nhân dân thực hiện nghiêm túc; trên 90% hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, cả 12 thôn được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”; trạm y tế xã và cả 3 trường học các cấp đều được công nhận “Cơ quan đạt nếp sống văn hóa” và đạt chuẩn quốc gia.

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, phấn đấu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã Mỹ Trung tiếp tục củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển các ngành hàng, sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với xây dựng thành các sản phẩm OCOP. Tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, tập trung vào các lĩnh vực: sản xuất, chế biến nông sản, thủ công mỹ nghệ, cơ khí, may mặc… Huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư, tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và các công trình công cộng như: nâng cấp hệ thống điện nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng khu xử lý, chôn lấp rác thải... Vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng và xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình; tăng cường quản lý, tổ chức các lễ hội; xây dựng nếp sống văn minh, cộng đồng đoàn kết, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com