Việt Nam kiên định đường lối đổi mới, tích cực hội nhập sâu rộng

03:06, 06/06/2022

Chiều 5-6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Phiên toàn thể - tọa đàm cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới". Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ và Thành phố Hồ Chí Minh đồng tổ chức.

Cùng dự Diễn đàn có các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương; đại sứ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các doanh nghiệp trong và ngoài nước; các chuyên gia kinh tế. Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tham dự Diễn đàn.

Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và các đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và các đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trước đó cùng ngày, Diễn đàn diễn ra với 3 cuộc hội thảo chuyên đề về: "Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch COVID-19"; "Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản"; "Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng".

Phát biểu kết luận Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Diễn đàn đã thống nhất cao và khẳng định chủ trương đúng đắn, nhất quán, xuyên suốt và hiệu quả của Đảng, Nhà nước ta là kiên định đường lối đổi mới, tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Trong hơn 35 năm Đổi mới, chính việc thực hiện hiệu quả chủ trương này đã góp phần làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Gần đây, qua hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, tuy có những lúc bị động, lúng túng, song đến nay chúng ta đã kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, kinh tế - xã hội đang phục hồi nhanh.

Về sự cần thiết của việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ định hướng “độc lập, tự chủ gắn với hội nhập” xuất phát từ tư tưởng xuyên suốt của Đảng ta và tư tưởng Hồ Chí Minh từ khi thành lập nước đến nay, trong đó kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả là hết sức cần thiết, là tất yếu khách quan, qua đó nâng cao vị thế đất nước; nâng cao sức mạnh nội lực; xử lý hiệu quả các vấn đề nội tại và các thách thức nổi lên. Đây là chủ trương nhất quán, xuyên suốt và được xác định rõ trong Cương lĩnh, Hiến pháp, Nghị quyết của Đảng. Với mục tiêu như Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra là đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Theo Thủ tướng, để thực hiện mục tiêu trên, chúng ta phải lấy lợi ích quốc gia dân tộc là mục tiêu cao nhất gắn với kết nối hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực, thế giới; thể hiện rõ vai trò là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và dựa trên cơ sở 3 trụ cột là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, trước hết phải tạo môi trường hòa bình, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định môi trường pháp lý, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng. Thủ tướng chỉ đạo, bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đồng bộ, hiện đại, hội nhập, phù hợp với điều kiện Việt Nam và các cam kết quốc tế; Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng…

Thủ tướng Chính phủ mong muốn và tin tưởng rằng các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, mang lại lợi ích chính đáng cho các nhà đầu tư./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com