Giao thông "đi trước mở đường" góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới (kỳ 1)

08:10, 23/10/2020

Trong bộ tiêu chí xây dựng NTM, giao thông là nhóm tiêu chí số 2, được đánh giá là khó nhất khi bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Giao thông đi lại khó khăn cũng đồng nghĩa với kinh tế - xã hội kém phát triển, do giao thương hàng hóa kém, đầu vào sản xuất gia tăng bởi tốn chi phí, thời gian vận chuyển, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ kém... dẫn đến thu nhập của người dân không được cải thiện... Quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; Tỉnh ủy, HĐND đã xây dựng và ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25-7-2011 về phát triển giao thông nông thôn; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20-4-2016 về xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Phát triển giao thông đòi hỏi mức đầu tư lớn trong khi Nam Định là tỉnh có nguồn thu ngân sách không lớn nên nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước chắc chắn sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chủ trương dựa vào sức dân, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tổng hợp các nguồn lực xã hội để phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, trong đó có hạ tầng giao thông. Trong đầu tư phát triển giao thông, vừa phải lo nguồn vốn để kiến thiết công trình, vừa phải lo mặt bằng để thi công. Giải phóng mặt bằng luôn là khâu khó trong các dự án giao thông do chi phí lớn, chế độ chính sách phức tạp, kéo dài thời gian…  Bằng nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo và quyết liệt, toàn tỉnh đã vận động được hàng nghìn hộ dân tự nguyện hiến đất, góp đất, tháo dỡ công trình, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM, nhiều kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo đã được các địa phương áp dụng, thực hiện thành công trong thực tiễn để giải quyết “điểm nghẽn” nguồn lực đầu tư.

Huyện Nghĩa Hưng có địa hình thấp và ở ven biển, chịu nhiều tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, trình độ, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, năng suất lao động, thu nhập từ nông nghiệp thấp. Các ngành dịch vụ, sản xuất công nghiệp phát triển chậm, chưa khai thác được hết các tiềm năng, nhất là dịch vụ kinh tế biển… Do vậy, huyện xác định thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM là giải pháp tạo đột phá cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xu hướng và yêu cầu tất yếu phải xây dựng NTM, từ đó đồng thuận ủng hộ, tích cực tham gia đóng góp nguồn lực trí tuệ, công sức và tài chính... Có sự nêu gương, đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, phong trào tự nguyện hiến đất nông nghiệp, đất thổ cư; đóng góp tiền, ngày công và vật liệu xây dựng... để xây dựng các công trình phúc lợi đã lan tỏa rộng khắp đến các thôn, xóm trong huyện. Trong chương trình xây dựng NTM, nhân dân toàn huyện đã tự nguyện hiến 266ha đất để làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, xây dựng kênh mương, các công trình phúc lợi.  Nhờ  nỗ lực đẩy mạnh xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là phát triển giao thông, huyện Nghĩa Hưng đã trở thành “điểm đến” uy tín, thân thiện với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Toàn huyện hiện có 433 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng nguồn vốn 7.907 tỷ đồng, doanh thu đạt 6.634 tỷ đồng; thu hút trên 15 nghìn lao động với thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Tại 4 cụm công nghiệp với tổng diện tích được quy hoạch khoảng 60ha gồm Nghĩa Sơn, Nghĩa Thái, Nghĩa Minh, Nghĩa Lạc đã thu hút đầu tư được 33 dự án với tổng mức đầu tư trên 4.450 tỷ đồng; trong đó có 3 dự án FDI với tổng mức đầu tư 2.100 tỷ đồng, đang hoạt động sản xuất có hiệu quả. Trong năm 2020, Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông đã thu hút được 2 nhà đầu tư thứ cấp xây dựng các dự án dệt, nhuộm công nghệ cao với tổng mức đầu tư lên tới hơn 200 triệu USD.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, các xã, thị trấn của huyện Giao Thủy đã đầu tư nâng cấp hơn 300km đường trục xã, liên xã, hơn 500km đường trục chính nội đồng; mở rộng bê tông hóa hệ thống đường dong, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp… khắc phục bất lợi về vị trí địa lý. Nhờ phát triển hạ tầng giao thông, đến nay huyện Giao Thủy đã có 12 dự án đầu tư, có 308 doanh nghiệp và 2.514 cơ sở sản xuất tạo việc làm cho gần 9.000 lao động.

Bài học giải phóng mặt bằng các dự án giao thông theo cơ chế xây dựng NTM của Nghĩa Hưng sau đó đã được nhân rộng ra toàn tỉnh. Kể từ đó đến nay, hầu hết các công trình đầu tư cải tạo, nâng cấp trên địa bàn tỉnh không phải bỏ chi phí giải phóng mặt bằng. Nhờ đó, toàn bộ các hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đến nay đã cơ bản hoàn thành việc đầu tư cải tạo, nâng cấp. Đến năm 2018 có 100% số xã đạt tiêu chí giao thông, tăng 21,1% so với năm 2015 và tăng 98,1% so với năm 2010. Trong giai đoạn 2011-2019, toàn tỉnh đã huy động được trên 40 nghìn tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ theo quy hoạch, kết nối với hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Trong đó tỉnh đã cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới được gần 9.000km đường giao thông (210km đường cao tốc và quốc lộ, 227km tỉnh lộ, 8.422km đường giao thông nông thôn); 7.239 cầu cống dân sinh. Đến tháng 7-2019, toàn tỉnh có 100% số xã, thị trấn và 10/10 huyện, thành phố đã được công nhận đạt chuẩn NTM; là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, sớm hơn 11,5 năm so với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Đến năm 2020 mạng lưới giao thông đường bộ toàn tỉnh có tổng chiều dài hơn 12 nghìn km (16,2km đường cao tốc; 5 tuyến quốc lộ dài 265km; 12 tuyến tỉnh lộ dài 263km; 177km đường đô thị; 569km đường huyện; 1.491km đường xã, liên xã; 2.822km đường thôn xóm; gần 4.000km đường dong ngõ, xóm và gần 3.000km đường trục chính nội đồng); 2.050 cầu các loại trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường xã đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Với cách thức vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn, tỉnh đã sớm đề ra quan điểm: xây dựng NTM trước hết phải xuất phát từ việc khai thác nội lực, từ chính cộng đồng dân cư, với phương châm “Người dân là chủ thể xây dựng NTM; nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; các xã, thị trấn, các thôn, đội và người dân nông thôn phải chủ động trong xây dựng NTM; không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Quan điểm này sau khi được đả thông đã tạo được sự ủng hộ cao của người dân và con em quê hương trong việc huy động các nguồn lực cho xây dựng NTM. “Đường mở đến đâu, dân giàu đến đó!”. Qua gần 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM với mũi nhọn là phát triển hệ thống giao thông đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của nhiều địa phương phát triển, thu nhập của người dân không ngừng được nâng cao. Đến năm 2020, số hộ có thu nhập ngoài nông nghiệp ở nông thôn chiếm trên 80%; ước thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 52 triệu đồng/người, gấp 4,1 lần so với trước khi bước vào xây dựng NTM; khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn giảm xuống còn 1,35 lần; mức sống của người dân nông thôn được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều (trừ đối tượng bảo trợ xã hội) giảm còn dưới 1%.

(Còn nữa)
Bài và ảnh:
Thành Trung


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com