Đi ngược xu thế

09:01, 25/01/2013

Từ mùa giải 2013, Giải bóng chuyền Vô địch quốc gia sẽ chính thức không có ngoại binh. Giải thích cho sự thay đổi này, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) cho rằng, quy định như vậy là để tạo sân chơi cho các VĐV trẻ, giảm chi phí cho các CLB...

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Trước quy định của VFV, tất nhiên, những đội bóng “con nhà nghèo” đã ủng hộ hết mình, vì nhiều năm qua họ bị thiệt thòi khi không có đủ kinh phí để "chiêu mộ" ngoại binh. Tuy nhiên, với phần lớn các đội còn lại cho rằng quy định của VFV đang kéo tụt sự phát triển của bóng chuyền Việt Nam. Trong 9 mùa giải vừa qua, ngoại binh đã mang đến nhiều nét mới, tạo nên sự hấp dẫn cho giải đấu, bởi các trận đấu có chất lượng chuyên môn cao, thu hút khán giả tới sân đông hơn. Đặc biệt, ngoại binh đã tạo ra sự cạnh tranh cao, giúp các VĐV nội học được nhiều về tác phong, tính kỷ luật, ý thức chuyên nghiệp trong thi đấu. Hiện nay, hầu hết các nền bóng chuyền phát triển trên thế giới đều sử dụng ngoại binh, cũng vì mục đích như trên. Thậm chí như Giải Vô địch quốc gia Nga, năm 2011 có 2 ngoại binh, năm 2013 còn sử dụng tới 3 ngoại binh. Các nước láng giềng như: Thái Lan, In-đô-nê-xi-a... cũng sử dụng ngoại binh và chất lượng giải đấu vẫn tăng lên rõ rệt sau từng năm, đặc biệt vẫn sản sinh ra nhiều VĐV trẻ và trình làng ở mỗi kỳ SEA Games. Nguyên nhân chính khiến các VĐV trẻ của ta “chậm lớn” chính là bởi VFV có quá ít các giải đấu mang tính cọ xát nhằm nâng cao trình độ cho các VĐV. Thậm chí ngay cả Giải Vô địch quốc gia cũng chỉ thi đấu khoảng 1 tuần là kết thúc. Sự đi xuống của bóng chuyền Việt Nam ở sân chơi SEA Games trong những năm gần đây là do các VĐV không được quan tâm đúng mức, ít được tập huấn bài bản, chứ không phải do ngoại binh quá nhiều ở các giải trong nước. Với việc quy định chơi toàn bằng “cây nhà lá vườn”, rất dễ nảy sinh bệnh ngôi sao ở một số VĐV, tính cạnh tranh giữa các VĐV trong đội sẽ không còn, còn các CLB cũng sẽ trở về với truyền thống “cá lớn nuốt cá bé”. Hơn nữa trong những năm bóng chuyền có ngoại binh, cuộc đua tới ngôi vô địch luôn hấp dẫn, chứ không chỉ còn là cuộc chơi riêng của những CLB lớn... Điều đó cho thấy, các đội không chỉ tập trung vào công tác chuyên môn mà còn cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút tài trợ để có tài chính, tăng cường ngoại binh có chất lượng. Lực lượng ngoại binh rất cần thiết ở một giải đấu đỉnh cao bởi không chỉ mang tới sự hấp dẫn ở mỗi trận đấu, tạo điều kiện cho VĐV nội có cơ hội cọ xát, học hỏi kinh nghiệm, mà còn giúp các CLB ý thức hơn về sự chuyên nghiệp.

Như vậy, vấn đề cốt lõi là công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV trẻ ở các CLB như thế nào; công tác quản lý, tổ chức giải đấu của VFV ra sao chứ không thể đánh đồng việc đào tạo trẻ với việc sử dụng ngoại binh. Dư luận cho rằng, bóng chuyền Việt Nam đang đi ngược với xu thế chung của thời đại./.

Khôi Nguyên (tổng hợp)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com