Sắc xuân ở một miền quê

04:02, 07/02/2020

Giữa tiết Xuân Canh Tý 2020, đến thôn 5, xã Trực Thuận (Trực Ninh) chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng quê này. Thôn 5 đẹp như một bức tranh; nét cổ kính xen lẫn hiện đại, có đình làng với gốc đa hàng trăm năm tuổi, có hồ nước xung quanh trồng nhiều loại hoa, bên bờ có nhiều ghế đá để người dân ngồi chơi, buổi tối có đèn led năng lượng mặt trời chiếu sáng. Xa xa là những ngôi nhà cao tầng san sát, các tuyến đường trong thôn đều đổ bê tông, người dân đi lại nhộn nhịp. Ít người biết rằng, thôn 5 từng là khu dân cư khó khăn nhất của xã Trực Thuận.  

Cảnh quan thôn 5, xã Trực Thuận hôm nay.
Cảnh quan thôn 5, xã Trực Thuận hôm nay.

Thôn 5 có 178 hộ với 540 khẩu; trước đây thôn gặp nhiều khó khăn khi có giai đoạn nhiều lãnh đạo thôn vi phạm bị kỷ luật, các phong trào hầu như không được duy trì. Kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thôn còn thiếu, chưa đồng bộ, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người thấp. Để triển khai nhiệm vụ xây dựng NTM, thực hiện sự chỉ đạo cấp trên, cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn 5 đã bầu ra những người nhiệt tình với phong trào, có uy tín với nhân dân, có năng lực trong thực hiện công việc chung. Đồng chí Trần Văn Trọng, Bí thư chi bộ thôn cho biết: “Chi ủy đã tập trung xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, phát huy trí tuệ tập thể đóng góp, xây dựng nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM. Trên cơ sở xác định rõ việc gì làm trước, việc gì làm sau, thực hiện từng nhiệm vụ phải được tính toán chi tiết, có tính khả thi cả về kinh phí, công lao động, từ đó lãnh đạo nhân dân thực hiện”. Trong điều kiện kinh phí hỗ trợ của cấp trên hạn chế, thôn đã tuyên truyền vận động nhân dân đóng góp tiền của, ngày công lao động, hiến đất đồng lòng chung tay xây dựng NTM như xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông thôn đúng tiêu chuẩn, tiêu chí NTM. Cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong việc đóng góp, ủng hộ kinh phí, công lao động, đồng thời tuyên truyền cho người dân hiểu “dân biết, dân bàn, dân đóng góp kinh phí, dân trực tiếp làm, kiểm tra và hưởng thụ thành quả”. Trong tổ chức thực hiện các công việc, nhất là xây dựng các công trình, lãnh đạo thôn đã có cách làm sáng tạo để giảm bớt chi phí, tiết kiệm sức dân. Khi xây dựng nhà văn hoá để có nơi sinh hoạt, hội họp của người dân thuận tiện hơn, kinh phí xây dựng được thôn vận động theo nhân khẩu đầu người đóng góp. Qua các cuộc họp, người dân đồng tình tự nguyện đóng góp trung bình 900 nghìn đồng/khẩu, các gia đình chính sách như thương binh, người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, người bệnh nặng đều được miễn, giảm. Khi khởi công, các công đoạn từ làm móng, đổ nền, đổ mái, làm sân chỉ thuê thợ kỹ thuật, còn người dân tham gia là chính.

Đối với làm đường giao thông, thôn hoạch toán chi phí tổng thể rồi chia cho số khẩu thuộc diện vận động. Tổng số đường của thôn được phân chia thành 14 đoạn, vận động thành lập 14 tổ, tổ chức thực hiện theo cụm, xóm, luỹ tre làng. Các tổ họp bàn, bầu ra tổ trưởng là đảng viên, cựu chiến binh, trùm họ giáo, trưởng tộc, là những người có uy tín trong cộng đồng. Trong gần một tháng thi công, thôn đã bê tông hoá xong 1.964m đường khang trang, sạch đẹp, đảm bảo người dân đi lại thuận tiện với chi phí vật liệu, công máy trộn bê tông gần 1 tỷ đồng. Đường giao thông sạch đẹp đã tạo khí thế để bà con trong thôn tiếp tục làm đường nội đồng. Ngoài xã viên tự nguyện đóng góp theo sào ruộng đồng thời thôn cũng vận động các khẩu không có ruộng và người con xa quê có tấm lòng hướng về quê hương đóng góp 247 triệu đồng làm 645m đường nội đồng thuận lợi cho sản xuất, cơ giới hóa đồng ruộng. Nhờ vậy, người dân không bỏ ruộng hoang, thực hiện canh tác gần 66 mẫu ruộng được giao. Năm 2019, thôn tiếp tục vận động nhân dân xây dựng 30 cột đèn chiếu sáng tiêu chuẩn với kinh phí 51 triệu đồng, trong đó xã hỗ trợ 500 nghìn đồng/cột; tiếp tục cứng hóa 150m đường nội đồng rộng 3m; xây dựng các bồn hoa dọc trên các tuyến đường… Cũng trong năm, thôn xây dựng hồ bơi trung tâm, đồng thời lắp thêm 4 đèn led năng lượng mặt trời với mức đầu tư trên 100 triệu đồng. Hoàn thành nhiều công trình xây dựng với chi phí lớn, nhưng thôn 5 không có nợ đọng vốn. 

Ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng, thôn cũng bám sát sự chỉ đạo của UBND xã, vận động nhân dân tích cực phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho hiệu quả cao. Ngoài sản xuất nông nghiệp, trồng rau màu, nhiều người dân trong thôn cũng đã phát triển ngành nghề. Anh Nguyễn Văn Cường, phó thôn đã đầu tư xây dựng trang trại nuôi lợn, vịt quy mô lớn. Dù dịch tả lợn châu Phi vừa qua gây thiệt hại lớn về đàn lợn nhưng trang trại của anh vẫn an toàn. Trang trại nuôi cá trắm, chép của ông Trần Văn Ngọc với diện tích trên 1.000m2 cũng thu hàng chục triệu đồng mỗi năm. Vườn cây cảnh trồng quất, đào thế của hộ ông Trần Văn Dũng cũng đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Trong thôn cũng có một số hộ sản xuất kinh doanh lớn như ông Phạm Văn Bản thành lập công ty may mặc tạo việc làm ổn định cho 75 lao động, chủ yếu là người dân địa phương; ông Nguyễn Văn Đọc mở xưởng mộc thu hút gần 10 lao động… Ngành nghề phát triển, người dân có thu nhập ngày càng cao, đến nay đạt 40 triệu đồng/người/năm. Các tổ chức chính trị xã hội như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi, ban công tác Mặt trận được củng cố vững mạnh, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các phong trào thi đua.

Một mùa xuân mới lại về, mang theo niềm vui và thêm niềm hy vọng, lạc quan cho những người dân ở thôn 5 xã Trực Thuận. Đó cũng chính là động lực để cán bộ, đảng viên, nhân dân nơi đây tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, hăng say lao động sản xuất, xây dựng quê hương giàu đẹp./.

Bài và ảnh: Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com