Công tác cán bộ nữ: Ghi nhận từ thực tiễn

07:08, 12/08/2019

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 20-10-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ năm 2016 đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, các cấp ủy Đảng đã tập trung chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ, từng bước nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý ở các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia, tháng 12-2006, chị Trần Thu Phương về công tác tại Ban Tổ chức Thành ủy Nam Định. Tháng 12-2014, chị được điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy. Tháng 8-2015, tại Đại hội Đảng bộ Thành phố Nam Định lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015-2020), chị trúng cử Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVI, là một trong sáu nữ Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, đồng thời cũng là ủy viên chấp hành trẻ nhất nhiệm kỳ. Năm 2015, chị bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ Quản lý công tại Học viện Hành chính Quốc gia; năm 2018 tốt nghiệp Cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung. Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVI về công tác cán bộ, tháng 11-2018, chị được Ban Thường vụ Thành ủy bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh Văn phòng Thành ủy Nam Định. Từ khi đảm nhiệm công việc đến nay, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các đồng chí lãnh đạo và đồng nghiệp, chị luôn cố gắng, tự học hỏi, tự rèn luyện để đáp ứng được nhiệm vụ công tác mới được giao. Chị tâm sự: “Trong thời đại hiện nay, người phụ nữ ngoài việc thực hiện trọn thiên chức, vai trò, nhiệm vụ của mình, còn không ngừng phấn đấu, rèn luyện để khẳng định vị trí trong xã hội. Ngày càng nhiều phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội, thậm chí là các hoạt động chính trị; mạnh dạn ứng cử, xung phong làm những công việc mà từ trước đến nay chỉ dành cho nam giới. Chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã và đang tạo những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy công tác lãnh đạo nữ, đặc biệt là nữ trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế để làm được điều đó đòi hỏi sự nỗ lực của chính bản thân cán bộ nữ; sự quan tâm, tạo điều kiện, đào tạo bồi dưỡng của nơi công tác; sự ủng hộ từ phía gia đình và sự thay đổi trong quan niệm, nhận thức xã hội về nữ giới”.

Chị Trần Thu Phương, Chánh văn phòng Thành ủy Nam Định chủ trì triển khai công tác văn phòng tháng 8-2019.
Chị Trần Thu Phương, Chánh văn phòng Thành ủy Nam Định chủ trì triển khai công tác văn phòng tháng 8-2019.

Theo số liệu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020, có 7/55 cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; 63/543 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, huyện, đảng bộ trực thuộc; 563/3.341 đồng chí tham gia ban chấp hành Đảng bộ xã, phường, thị trấn. Đến nay, 38 cán bộ nữ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; 97 cán bộ nữ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc tỉnh quản lý; 60 cán bộ nữ là cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh tuyển dụng 6.130 người, trong đó tỷ lệ nữ chiếm trên 70%. Về công tác đào tạo, bồi dưỡng, căn cứ quy hoạch cán bộ, tiêu chuẩn chức danh và yêu cầu nhiệm vụ công tác, 100% cán bộ nữ trong quy hoạch đều được đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn do Trung ương và tỉnh tổ chức..., từng bước nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Thời gian qua, thực hiện các quy định và hướng dẫn của Trung ương về công tác cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành, chỉ đạo ban hành và thường xuyên rà soát, bổ sung các quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, quy chế bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử... nhằm kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, gắn với thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị. Việc bố trí, sử dụng cán bộ xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, tiêu chuẩn và năng lực cán bộ. Quy trình giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ được các cấp, các ngành chủ động đưa cán bộ nữ vào trong quy hoạch theo quy định. Qua đó, việc bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ nữ ứng cử đảm bảo dân chủ, đúng quy trình, hướng dẫn, chất lượng cán bộ được nâng lên; đã giới thiệu được nhiều cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định và đảm nhận được nhiệm vụ được giao. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh có 67/274 (bằng 24,5%) lượt cán bộ nữ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và quyết định; có 372/1.618 (bằng 23%) lượt cán bộ nữ thuộc diện Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh quản lý, quyết định. Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ, Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc tỉnh đã tập trung củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội Phụ nữ các cấp, để phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện công tác phụ nữ. Đồng chí Nguyễn Thị Hà, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh cho biết: Những năm qua, Hội Phụ nữ tỉnh đã tham mưu, đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy về công tác cán bộ nữ; nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ vào quy hoạch; tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Trong đó, chủ động tham mưu trong công tác giới thiệu nguồn và quy hoạch cán bộ nữ; tổng hợp, rà soát đánh giá thực trạng cán bộ nữ cấp tỉnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, đơn vị đã thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án về bình đẳng giới, thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ; tạo điều kiện cho chị em nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời quan tâm tạo nguồn, quy hoạch, bồi dưỡng, giới thiệu cán bộ nữ có trình độ, năng lực vào vị trí chủ chốt. Vị thế của phụ nữ ngày càng được khẳng định, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò phụ nữ đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Số cán bộ công chức, viên chức là nữ ở các cơ quan cấp tỉnh hiện nay chiếm 56% tổng số cán bộ; cấp huyện là 15.668 cán bộ nữ, chiếm 76,7%. Số cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 ở cấp tỉnh chiếm 14,55%; cấp huyện chiếm tỷ lệ 11,94%, cấp cơ sở chiếm tỷ lệ 27,2%. Số cán bộ nữ là đại biểu Quốc hội là 2/8 người, chiếm tỷ lệ 25%. Tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2020, ở cấp tỉnh có 13 đại biểu nữ, chiếm tỷ lệ 19,4%; cấp huyện có 96 đại biểu nữ, chiếm tỷ lệ 24,3%; cấp xã là 1.323 đại biểu nữ, chiếm tỷ lệ 22,2%. Hiện nay, tại 29 sở, ngành của tỉnh có 203 cán bộ nữ là lãnh đạo từ cấp phó phòng và tương đương trở lên. Riêng cán bộ nữ giữ chức vụ trưởng, phó các sở, ban, ngành, đoàn thể là 37 người, chiếm tỷ lệ 18,2%.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác cán bộ nữ của tỉnh còn gặp khó khăn. Trước hết, về thực hiện các khâu của công tác cán bộ, đối với công tác quy hoạch, nhận thức của một số cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quy hoạch cán bộ; còn lúng túng trong phương pháp, cách làm tạo điều kiện để cán bộ nữ được đưa vào quy hoạch. Công tác luân chuyển cán bộ nữ hạn chế, số lượng ít; một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị còn ngại điều động, tiếp nhận cán bộ nữ đến công tác tại cơ quan, đơn vị. Việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử giữ chức danh lãnh đạo, quản lý ở một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh chưa đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Việc ban hành các văn bản để thể chế hóa các quan điểm chủ trương của Trung ương, của tỉnh về công tác cán bộ nữ ở cơ sở yếu, thiếu, không đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ nữ trong thời kỳ mới. Việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách tham mưu về công tác tổ chức cán bộ ở tất cả các cấp, các ngành liên quan đến cán bộ nữ thiếu, hạn chế. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác cán bộ nữ, nâng cao tỷ lệ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, thời gian tới các cấp ủy Đảng trong tỉnh cần tiếp tục quán triệt sâu rộng Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ năm 2016 đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; qua đó đề ra các giải pháp thiết thực, cụ thể, phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, kịp thời đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả thực hiện công tác cán bộ nữ của tỉnh. Quan tâm, tạo điều kiện để giúp cán bộ nữ bổ sung kiến thức, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm công tác. Thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ, đồng thời sớm bố trí cán bộ nữ trong quy hoạch tiếp cận vào chức danh được quy hoạch để thử thách, rèn luyện, đào tạo cán bộ nữ từ thực tiễn công tác ở cơ sở./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com