Phát triển Đảng trong thanh niên nông thôn - Nhiều khó khăn cần tháo gỡ (kỳ 1)

07:07, 23/07/2019

Tỉnh ta hiện có trên 30 nghìn đoàn viên sinh sống ở khu vực nông thôn. Đây là lực lượng xung kích trong phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, là nguồn cho công tác phát triển Đảng ở cơ sở. Thời gian qua, mặc dù công tác phát triển Đảng trong thanh niên nông thôn đã được các cấp ủy Đảng, tổ chức Đoàn trong tỉnh quan tâm, song số lượng đoàn viên, thanh niên ở khu vực này được kết nạp Đảng vẫn thấp so với các khu vực khác. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến việc phát huy vai trò lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở cũng như trẻ hóa đội ngũ đảng viên các chi bộ nông thôn.

I - Số lượng đông, tỷ lệ thấp

Xác định công tác phát triển đảng viên trong lực lượng đoàn viên, thanh niên đóng vai trò quan trọng nhằm trẻ hoá đội ngũ cán bộ, đảm bảo sự kế thừa và phát triển của Đảng, đồng thời củng cố sự phát triển vững chắc của tổ chức Đoàn, thời gian qua, Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các Đoàn cơ sở lựa chọn, giới thiệu những đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp. Theo đó, ngày càng có nhiều đảng viên trong độ tuổi thanh niên được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm 2018, toàn tỉnh kết nạp được 2.039 đảng viên mới, trong đó ở độ tuổi Đoàn được kết nạp là 1.369 người, chiếm 67,14%. 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh kết nạp được 949 đảng viên thì có 614 người là đoàn viên, thanh niên, chiếm 64,6% tổng số đảng viên mới. Như vậy có thể khẳng định, số lượng đoàn viên được kết nạp Đảng hàng năm tương đối lớn. Tuy nhiên, công tác phát triển Đảng trong đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh hiện nay đang diễn ra không đều ở các khu vực, đối tượng. Đoàn viên, thanh niên khối lực lượng vũ trang, doanh nghiệp Nhà nước, cơ quan hành chính sự nghiệp là khu vực được kết nạp Đảng cao, ngược lại ở nông thôn, số đoàn viên được kết nạp hàng năm chưa nhiều.

Đoàn Thanh niên tỉnh tổ chức tham quan mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển tại xã Hải Đông (Hải Hậu).
Đoàn Thanh niên tỉnh tổ chức tham quan mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển tại xã Hải Đông (Hải Hậu).

Theo số liệu của Tỉnh Đoàn, toàn tỉnh hiện có trên 98 nghìn đoàn viên đang sinh hoạt tại 396 cơ sở Đoàn, trong đó đoàn viên, thanh niên khối nông thôn chiếm gần 31%. Năm 2018, toàn tỉnh có 1.475 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng, trong đó số lượng đoàn viên được kết nạp Đảng từ địa bàn dân cư là 436 người. 6 tháng đầu năm 2019, có 614 đoàn viên, thanh niên ưu tú được kết nạp Đảng thì có 184 đoàn viên ưu tú từ địa bàn dân cư, chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn gần 30%. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đoàn viên, thanh niên khu vực nông thôn được kết nạp Đảng thấp do số đoàn viên, thanh niên trong độ tuổi đủ tiêu chuẩn để đưa vào tạo nguồn phát triển Đảng rất ít, bởi một số sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông lại tiếp tục phấn đấu vào học các trường đại học, cao đẳng hoặc các trung tâm dạy nghề. Mặt khác, ở nhiều địa phương trong lúc nông nhàn, lao động trẻ thường đi làm ăn xa, thường xuyên vắng mặt tại địa phương, vì vậy, việc tìm nguồn bồi dưỡng để kết nạp Đảng rất khó khăn. Anh Nguyễn Đăng Khoa, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) chia sẻ: “Xã Mỹ Tân có gần 500 đoàn viên đang sinh hoạt tại 18 chi đoàn lũy tre xanh và trường học. Nguồn phát triển đảng viên ở nông thôn chủ yếu là lực lượng thanh niên, tuy nhiên hiện 60% đoàn viên, thanh niên trên địa bàn đang đi làm ăn xa tại các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp hoặc làm nghề tự do, ít có mặt ở địa phương để sinh hoạt Đoàn. Vì thế, việc tập hợp, huy động đoàn viên, thanh niên tham gia các phong trào, hoạt động Đoàn, Hội của xã rất khó khăn, khó có thể phát hiện các nhân tố mới ưu tú để giới thiệu cho Đảng kết nạp”. Theo đó, năm 2018, Đoàn xã Mỹ Tân giới thiệu được 2 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp thì 1 người là sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, 1 người là bí thư chi Đoàn. Từ đầu năm 2019 đến nay, Đoàn xã mới giới thiệu được 1 bí thư chi Đoàn đi học lớp cảm tình Đảng. Thanh niên nông thôn đi làm ăn xa nhiều không chỉ là tình trạng riêng ở Mỹ Tân, qua khảo sát tại một số huyện như Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc, Ý Yên, Vụ Bản… có tới 50-60% thanh niên đi làm ăn xa không thường xuyên có mặt tại địa phương. Ở nhiều khu dân cư số lượng đoàn viên, thanh niên chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, thậm chí có nơi gần như “trắng” đoàn viên, thanh niên. 

Bên cạnh nguyên nhân phần lớn đoàn viên, thanh niên nông thôn thoát ly khỏi địa phương đi làm ăn xa, một nguyên nhân khác xuất phát từ chính nhận thức chính trị còn hạn chế, thiếu động cơ, ý thức phấn đấu vào Đảng của một bộ phận thanh niên nông thôn. Có đoàn viên, thanh niên quan niệm vào Đảng phải thực hiện nghĩa vụ đảng viên, phải chịu sự kiểm tra, giám sát, kiểm điểm, thậm chí cho rằng chỉ những thanh niên phấn đấu thăng tiến trong sự nghiệp mới cần vào Đảng. Cùng với đó, hiện nay việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên cũng đang gặp không ít khó khăn, nhiều chi Đoàn, Đoàn cơ sở chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục bồi đắp lý tưởng cách mạng, giác ngộ chính trị cho đoàn viên, thanh niên. Mặt khác, cấp ủy Đảng và chính quyền một số nơi chưa chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, chưa mạnh dạn giao việc cho thanh niên để thanh niên rèn luyện, phấn đấu trưởng thành, chưa có những giải pháp mang tính đột phá tạo việc làm, tăng thu nhập giúp thanh niên yên tâm lập thân, lập nghiệp ngay tại quê hương. Một số ít đoàn viên nông thôn được kết nạp vào Đảng nhưng chưa thể hiện rõ vai trò tiên phong, gương mẫu, ảnh hưởng đến việc giác ngộ, vận động quần chúng khác phấn đấu vào Đảng. Cùng với đó, thời gian qua, tuy đã có nhiều cố gắng để đa dạng hóa các hoạt động của tổ chức Đoàn ở khu vực nông thôn, song ở một số cơ sở Đoàn hoạt động Đoàn còn khá đơn điệu, tẻ nhạt, chưa đa dạng, chưa nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, thanh niên nên khó thu hút, tập hợp được thanh niên tham gia sinh hoạt. Tìm hiểu tại một số cơ sở Đoàn khu dân cư trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng hoạt động cầm chừng, thậm chí có tình trạng “chi Đoàn trắng” ở một số xã.

Nguồn phát triển đảng viên trẻ ở nông thôn “khan hiếm” đang dẫn đến tình trạng “già hóa” đảng viên. Tại nhiều chi bộ, đảng bộ, độ tuổi trung bình của đảng viên rất cao, đảng viên cao tuổi luôn chiếm phần đông. Ông Phạm Quang Thiếu, Bí thư chi bộ số 13, phố Thống Nhất, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) cho biết: “Chi bộ số 13 có 79 hộ với 232 khẩu. Chi bộ hiện có 37 đảng viên đang sinh hoạt thì có tới 32 đảng viên về hưu. Người cao tuổi nhất trong chi bộ năm nay là 81 tuổi, người ít tuổi nhất cũng đã 32 tuổi. Các năm trở lại đây, mặc dù chi bộ rất chú trọng việc tuyên truyền vận động, đặt ra các chỉ tiêu phấn đấu để giới thiệu, kết nạp Đảng song do thiếu nguồn nên việc kết nạp đảng viên mới hết sức khó khăn. Từ năm 2017 đến nay, chi bộ không kết nạp được đảng viên nào, đặc biệt đảng viên trong độ tuổi Đoàn thì từ lâu chi bộ không tìm được nguồn để bồi dưỡng, kết nạp”.

Chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng số đoàn viên, thanh niên, tổ chức Đoàn lại được phát triển rộng đến tận khu dân cư, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan số lượng đoàn viên, thanh niên được kết nạp Đảng từ khu vực nông thôn hiện chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.

(Còn nữa)
Bài và ảnh:
Hoa Xuân
 

 

 

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com