Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc - Nhìn từ thực tiễn

07:08, 06/08/2019

5 năm qua, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 217 và Quyết định số 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, qua đó tạo đồng thuận trong xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh.

Công đoàn các cấp thường xuyên quan tâm giám sát chất lượng bữa ăn ca cho người lao động. (Trong ảnh: Chuẩn bị bữa ăn ca cho người lao động tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Santa Clara, xã Yên Bình, huyện Ý Yên).
Công đoàn các cấp thường xuyên quan tâm giám sát chất lượng bữa ăn ca cho người lao động. (Trong ảnh: Chuẩn bị bữa ăn ca cho người lao động tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Santa Clara, xã Yên Bình, huyện Ý Yên).

Thực hiện Quyết định số 217 và Quyết định số 218 của Bộ Chính trị, những năm qua Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Hải Phúc (Hải Hậu) đã chủ động xây dựng kế hoạch và lựa chọn những nội dung phù hợp để tổ chức thực hiện như: giám sát việc thực hiện quy chế làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; giám sát 15/15 Ban công tác mặt trận về việc thực hiện hương ước xóm, Hướng dẫn số 34 của UBND huyện, Quy chế số 36 của UBND xã về thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang; giám sát việc sử dụng kinh phí hoạt động của Ban công tác mặt trận ở khu dân cư. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng. Trong 5 năm qua, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng xã đã tổ chức thực hiện 36 đợt giám sát về: thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở trong việc vận động nhân dân đóng góp, ủng hộ xây dựng nông thôn mới; việc thu 5kg thóc/sào/vụ xây dựng đường giao thông nội đồng của 15 xóm; giám sát xây dựng đổ mới tuyến đường liên xã dài 2,2km, các tuyến đường liên xóm dài 3,7km, các tuyến đường nội đồng dài 19,8km; xây dựng hệ thống đèn đường trục xã, liên xã, trạm y tế xã, trụ sở UBND xã... Đồng chí Đỗ Văn Lai, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã cho biết: "Những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo của Mặt trận Tổ quốc xã, các Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng đã vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới, công tác giám sát luôn chặt chẽ, đảm bảo minh bạch, công khai, dân chủ; không để phát sinh khiếu kiện trong việc quản lý, sử dụng các nguồn lực hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó đã góp phần ổn định chính trị tại địa phương, đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo được niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền". Trao đổi thêm với chúng tôi, các đồng chí Trưởng Ban công tác Mặt trận kiêm Bí thư Chi bộ các xóm 8, 14 cũng khẳng định vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc trong công tác giám sát: "Trong xây dựng nông thôn mới, kinh phí xây dựng các công trình do Nhà nước hỗ trợ và nhân dân đóng góp nên người dân rất quan tâm về chất lượng công trình. Vì vậy, khi thi công, các đồng chí cán bộ Mặt trận được giao nhiệm vụ giám sát đều phải có mặt từ trước để kiểm tra công tác chuẩn bị và chỉ về sau khi công trình đã hoàn thành. Nhiều hôm trời nắng to, chúng tôi vẫn đứng trực tiếp tại công trình làm đường giao thông, giám sát từ tỷ lệ cát, đá, xi măng trộn bê tông, độ dày mặt đường đến kỹ thuật thi công. Do vậy, các công trình đều đảm bảo về chất lượng, tiến độ thời gian, chống thất thoát trong quá trình xây dựng, được nhân dân trong xã rất tin tưởng". Với những nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, trong đó có vai trò to lớn của Mặt trận Tổ quốc, mặc dù có xuất phát điểm rất thấp (năm 2010 mới đạt 10 tiêu chí; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn cũ là 13,2%), đến hết năm 2013, xã Hải Phúc đã có sự bứt phá ngoạn mục, đạt chuẩn 19 tiêu chí nông thôn mới, là một trong 6 xã đầu tiên của huyện Hải Hậu đạt xã nông thôn mới. Xã đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và thưởng 1 tỷ đồng, UBND tỉnh tặng Bằng khen và thưởng 2 tỷ đồng. Xã phấn đấu năm 2022 đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...

Để phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, 5 năm qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã tham mưu với cấp ủy tổ chức 2.106 hội nghị quán triệt triển khai học tập các nội dung của Quyết định số 217 và Quyết định số 218 trong các tổ chức cơ sở Đảng, chi bộ Đảng và 100% cán bộ Mặt trận các cấp, Trưởng Ban công tác Mặt trận. Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức gần 300 lớp tập huấn, hội nghị có liên quan đến nội dung Quyết định số 217 và Quyết định số 218 cho hơn 40 nghìn lượt cán bộ chuyên trách Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở. Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ động tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo của Thường trực Tỉnh ủy, sự phối hợp của HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành hữu quan xây dựng cơ chế, điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt hoạt động giám sát, phản biện, góp ý. Trên cơ sở các hướng dẫn và định hướng công tác giám sát hàng năm của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã chủ động, sáng tạo triển khai nhiệm vụ giám sát theo Quyết định số 217 của Bộ Chính trị; đồng thời bám sát tình hình thực tế tại địa phương và những vấn đề bức xúc mà nhân dân, cử tri kiến nghị để xây dựng kế hoạch giám sát hàng năm, ký các chương trình phối hợp giám sát giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan Nhà nước có liên quan. 5 năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tích cực phối hợp với HĐND, UBND các cấp và các ngành chức năng tham gia các hoạt động giám sát theo chuyên đề, chủ động lựa chọn các vụ việc phức tạp, gây nhiều bức xúc trong nhân dân để tổ chức giám sát, được dư luận ủng hộ. Kết quả cấp tỉnh tổ chức được 9 cuộc; cấp huyện tổ chức được 26 cuộc giám sát về: việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn đóng góp của nhân dân và các tổ chức trong xây dựng nông thôn mới; thực hiện tiêu chí số 17 “Môi trường và an toàn thực phẩm”; tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; công khai kết luận thanh tra; công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, cấp xã; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh giám sát về việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn và quy chế dân chủ ở cơ sở tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các xã, phường, thị trấn đã tổ chức 5.112 cuộc giám sát thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, chủ yếu trên các lĩnh vực: xây dựng nông thôn mới, việc huy động nguồn lực, đóng góp của nhân dân; thực hiện các chế độ chính sách; các khoản thu chi của các nhà trường; việc thu hồi đất, giải tỏa, đền bù, tái định cư; môi trường và an toàn thực phẩm; việc triển khai thực hiện các vấn đề an sinh xã hội có liên quan trực tiếp tới người dân. Kết quả giám sát đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc trong việc thực hiện Hiến pháp và pháp luật, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc vẫn còn những hạn chế nhất định. Một số nơi, cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm sát sao, chưa nhận thức đầy đủ về công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Trong tổ chức thực hiện, việc lựa chọn nội dung, đối tượng để xây dựng kế hoạch giám sát còn gặp nhiều khó khăn. Hoạt động giám sát của một số Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở cấp xã còn hình thức, chưa đạt hiệu quả. Trong quy trình tổ chức giám sát và phản biện xã hội, việc thực hiện theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị sau giám sát, phản hồi văn bản phản biện xã hội đối với đối tượng giám sát và cơ quan chủ trì soạn thảo chưa đạt kết quả cao... 

Thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phát huy vai trò chủ thể, chủ động, tích cực làm tốt việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm. Từ thực tiễn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tình hình thực tiễn của từng địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cần lựa chọn được nội dung, vấn đề giám sát và phản biện xã hội phù hợp, trúng, đúng những vấn đề mà xã hội và nhân dân đang quan tâm. Thường xuyên lắng nghe, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và nhân dân để phục vụ nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, góp ý được sát thực, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, phù hợp tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần tham mưu với cấp ủy quan tâm nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com