Khó lường thị trường dầu mỏ

08:06, 15/06/2020

Thị trường dầu mỏ đã có cú đảo chiều khá nhanh, đưa giá dầu thoát khỏi vùng âm và dần hồi phục. Việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) đạt được nhất trí về gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thêm một tháng được hy vọng giúp vực dậy giá dầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh sự phục hồi nhu cầu dầu mỏ toàn cầu còn bấp bênh, thị trường dầu mỏ được dự báo khó lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Toàn cảnh nhà máy chế biến dầu Abqaiq của Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN
Toàn cảnh nhà máy chế biến dầu Abqaiq của Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN

Tâm lý kỳ vọng về chu kỳ tăng trưởng mới đang hỗ trợ thị trường dầu mỏ, đẩy giá dầu Brent vượt mốc 40 USD/thùng. Tuy nhiên, lộ trình để nhu cầu dầu mỏ quay trở về như trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tiếp tục nỗ lực bình ổn thị trường, các thành viên OPEC+ đã đạt thỏa thuận mới, theo đó duy trì cắt giảm sản lượng dầu ở mức 9,7 triệu thùng/ngày cho đến cuối tháng 7 tới, thay vì cắt giảm 7,7 triệu thùng/ngày kể từ đầu tháng 7 như đã định trước đó. Các cường quốc dầu mỏ mạnh tay cắt giảm sản lượng, cùng với nhu cầu dầu mỏ dần phục hồi sau khi nhiều quốc gia đưa hoạt động sản xuất dần trở lại bình thường, thị trường dầu mỏ đang cân bằng trở lại. Theo Viện nghiên cứu dầu mỏ Mỹ (API), lượng dầu dự trữ tại kho chứa Cushing, bang Ô-cla-hô-ma của Mỹ đã giảm liên tiếp trong nhiều tuần. Xuất khẩu dầu thô của các nhà sản xuất Trung Đông trong nhóm OPEC cũng giảm mạnh. Ông Mai-cơn Tran, người phụ trách mảng chiến lược năng lượng toàn cầu của RBC Capital Markets, cho rằng hoạt động sản xuất dầu sụt giảm tại Ca-na-đa, Mỹ và Mê-hi-cô đã góp phần giúp giá dầu thô ngọt nhẹ ở Mỹ (WTI) áp sát mốc 40 USD/thùng.

Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ vẫn khó tiên lượng. Mặc dù nhất trí gia hạn cắt giảm sản lượng, A-rập Xê-út, Cô-oét và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) lại tuyên bố sẽ không duy trì mức cắt giảm bổ sung tự nguyện trước đó. A-rập Xê-út và các đồng minh vùng Vịnh không có kế hoạch gia hạn việc tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu mỏ trong tháng 7 tới, do thời hạn đặt ra ban đầu chỉ là trong tháng 6. Bộ Dầu mỏ Na Uy cũng xác nhận nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất Tây Âu này không có ý định cắt giảm sản lượng, sau khi nhóm OPEC+ nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác ở mức kỷ lục cho đến cuối tháng 7 tới. Một số nước cũng tuyên bố không chấp thuận kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng dầu. Điều này cho thấy, nhiều nước đã không muốn cắt giảm sâu hơn ảnh hưởng tới nguồn thu từ dầu mỏ, và muốn dồn “trọng trách” dẫn dắt thị trường cho OPEC+. Bởi thực tế, dù giá dầu đã thoát đáy, song khó có thể giúp cân bằng ngân sách của hầu hết quốc gia trong OPEC+.

Thị trường dầu mỏ đang hướng tới cân bằng cung - cầu, song cần có thời gian bởi phụ thuộc rất nhiều vào sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu cũng như sự kiên nhẫn của OPEC+ trong quyết tâm cắt giảm sản lượng. Theo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), dự báo tình trạng dư thừa dầu mỏ toàn cầu sẽ kéo dài ít nhất đến năm 2021 hoặc lâu hơn nữa nếu kinh tế phục hồi yếu hơn dự kiến. Một thực tế là, có thể phải đến nửa sau năm 2021, tùy vào tăng trưởng kinh tế, mới dùng hết lượng dầu dư thừa trên toàn cầu hiện nay. Nếu kinh tế tăng trưởng chậm hơn, tình trạng dư thừa sẽ có thể kéo dài đến năm 2022.

Tâm lý bấp bênh của các nhà đầu tư phản ánh trên thị trường dầu mỏ. Sự ảm đạm của thị trường dầu mỏ đã khiến đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sụt giảm kỷ lục. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, số tiền đầu tư vào năng lượng trong năm nay ước tính giảm 20% so mức đầu tư của năm ngoái, hoặc tương đương 400 tỷ USD. Tất cả các lĩnh vực trong ngành năng lượng như dầu mỏ, khí đốt và năng lượng tái tạo đều bị ảnh hưởng nhưng chịu tác động lớn nhất là dầu đá phiến. Các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ đang chịu sự suy giảm tồi tệ nhất.

Tổng số tiền đầu tư vào dầu mỏ dự kiến sẽ giảm một phần ba trong năm nay, trong khi ngành công nghiệp đá phiến sẽ giảm khoảng 50%. Khi dầu mất giá 45% kể từ đầu năm, xuống mức thấp hơn cả chi phí sản xuất, các nhà sản xuất dầu khí Mỹ đã cắt giảm sản lượng xuống đến mức dự báo sẽ chỉ còn 10,8 triệu thùng/ngày vào tháng 12 tới, thấp hơn năm ngoái khoảng hai triệu thùng/ngày. Hiệp hội các nhà sản xuất dầu mỏ Ca-na-đa (CAPP) ước tính, vốn đầu tư của ngành này trong năm nay chỉ dừng ở mức 17,38 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với con số dự báo trước đó.

Các nhà sản xuất dầu mỏ vẫn khá bi quan cho dù giá dầu thời gian gần đây đã phục hồi phần nào. Những bất ổn xoay quanh tác động của đại dịch COVID-19 và nguy cơ xảy ra làn sóng dịch bệnh thứ hai đã làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư, khiến triển vọng của ngành dầu mỏ vẫn còn u ám./.

HÀ ANH
Theo nhandan.com.vn

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com