Biểu tình chống phân biệt chủng tộc nổ ra ở Mỹ và nhiều nước

08:06, 15/06/2020

Theo Roi-tơ, ngày 13-6, người biểu tình đã chặn một đường cao tốc chính ở thành phố Át-lan-ta, bang Gioóc-gi-a của Mỹ và đốt một nhà hàng thuộc hệ thống Wendy, nơi người đàn ông da mầu tên là R.Brúc vừa bị cảnh sát bắn chết trong quá trình bắt giữ. Hàng trăm người biểu tình đã tập trung trên đường cao tốc số 75 gây cản trở giao thông. Sự việc xảy ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc và cảnh sát bạo hành vẫn tiếp diễn tại nhiều địa phương ở Mỹ.

Biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc và cảnh sát bạo hành ở thành phố Át-lan-ta, Mỹ. Ảnh AP
Biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc và cảnh sát bạo hành ở thành phố Át-lan-ta, Mỹ. Ảnh AP

★ Trước đó cùng ngày, Thị trưởng Át-lan-ta L.Bót-tơm cho biết, cảnh sát trưởng Át-lan-ta E.Sin đã quyết định từ chức. Những hình ảnh phát sóng trên truyền hình cho thấy, nhà hàng Wendy đã bốc cháy trong 45 phút, sau đó lực lượng cứu hỏa mới có mặt tại nơi xảy ra vụ cháy. Cảnh sát đã phải dùng hơi cay để giải tán những người biểu tình tập trung bên ngoài nhà hàng Wendy.

★ Theo Cục điều tra bang Gioóc-gi-a, tối 12-6, người đàn ông da mầu R.Brúc, 27 tuổi, chết sau khi bị cảnh sát bắn. Trước khi xảy ra vụ việc, đối tượng ngủ trong xe ô-tô đỗ bên ngoài một nhà hàng bán đồ ăn nhanh. Khi bị cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn, đối tượng đã từ chối và chống cự lại. Vi-đê-ô giám sát cho thấy, đối tượng đã cướp súng điện của một cảnh sát. Nhân viên cảnh sát sau đó đã nổ súng nhằm vào Brúc khi đối tượng chĩa súng điện về phía cảnh sát. Brúc được đưa tới bệnh viện, song đã chết sau khi phẫu thuật.

★ Ðến nay, giới chức Mỹ chưa công khai danh tính hai cảnh sát liên quan vụ việc, song được biết cả hai đều là người da trắng. Theo luật sư đại diện cho gia đình R.Brúc, cảnh sát Át-lan-ta không có quyền sử dụng vũ lực gây tử vong ngay cả khi R.Brúc chĩa súng điện, vũ khí không gây chết người, về hướng cảnh sát.

★ Vụ việc nêu trên diễn ra khi tại Mỹ đang diễn ra hàng loạt cuộc biểu tình sau cái chết của người đàn ông da mầu G.Phơ-loi trong khi bị cảnh sát thành phố Mi-nê-a-pô-lít bắt giữ. Hầu hết các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa nhằm phản đối bạo lực của cảnh sát và đòi bình đẳng cho người da mầu, nhưng một số kẻ quá khích đã lợi dụng dịp này để cướp bóc và gây bạo loạn. Hiện các cuộc biểu tình ủng hộ phong trào “Quyền sống của người da mầu” cũng diễn ra tại khắp nơi trên thế giới.

★ Cảnh sát thủ đô Luân Ðôn của Anh đã áp đặt lệnh giới nghiêm, cấm tụ tập biểu tình tại trung tâm thủ đô từ 17 giờ ngày 13-6 để ngăn chặn xảy ra hỗn loạn giữa nhóm biểu tình thuộc phe cực hữu “muốn bảo vệ các tượng đài lịch sử” và nhóm biểu tình ủng hộ phong trào “Quyền sống của người da mầu”, trong đó có những đối tượng quá khích đòi dỡ bỏ tượng các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Anh vì cho rằng những nhân vật này có tư tưởng phân biệt chủng tộc, hoặc tham gia buôn bán người nô lệ da đen.

★ Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Anh P.Pa-ten lên tiếng chỉ trích những hành động quá khích và khẳng định, bất cứ kẻ nào gây ra hành động phá hoại hoặc bạo lực sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm minh. Bà Pa-ten kêu gọi người tham gia biểu tình giải tán về nhà vì nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng khi hàng nghìn người tập trung biểu tình không thể giữ được giãn cách xã hội.

★ Cùng ngày, Thị trưởng thành phố Luân Ðôn X.Khan phê phán những người yêu cầu đòi dỡ bỏ một số bức tượng nhân vật lịch sử của Anh chính là những người phân biệt chủng tộc. Ông Khan cho rằng mọi người nên tập trung vào vấn đề bất bình đẳng kinh tế và cấu trúc, kỳ thị người da đen tại Anh hơn là vấn đề các tượng đài kỷ niệm và việc dỡ bỏ các tượng đài nhân vật lịch sử không làm thay đổi được vấn đề.

★ Ngày 14-6, hàng nghìn người tham gia cuộc biểu tình trước Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Ô-clen của Niu Di-lân trong bối cảnh các cuộc tuần hành tại nước này ủng hộ phong trào “Quyền sống của người da mầu” bước sang tuần thứ hai. Tại thủ đô Oen-linh-tơn, hơn 2.000 người tuần hành trước tòa nhà Quốc hội sau khi tập trung tại trung tâm thành phố để phản đối tình trạng phân biệt đối xử.

★ Tại Hàn Quốc, Ðại sứ quán Mỹ tại thủ đô Xơ-un đã treo một băng-rôn ủng hộ phong trào “Quyền sống của người da mầu” tại trụ sở, đồng thời trang tài khoản Twitter riêng của cơ quan ngoại giao này cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc tuần hành phản đối nạn phân biệt chủng tộc trên khắp nước Mỹ.

★ Ngày 14-6, cảnh sát Ô-xtrây-li-a bắt giữ hai người phụ nữ sau khi tượng nhà thám hiểm nổi tiếng Giêm Cúc bị phá hoại. Cảnh sát bang Niu Xao Uên cho biết, hai người phụ nữ ở độ tuổi 20 bị bắt giữ vì đã bôi vẽ lên tượng của nhà thám hiểm người Anh ở Công viên Hai-đơ. Những người này sẽ phải ra tòa với cáo buộc làm hư hại và phá hoại tài sản công.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com