Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

08:04, 13/04/2022

Đến thời điểm này, cũng như các địa phương trên cả nước, tỉnh ta đã triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được gần 2 năm; Thực hiện thay sách giáo khoa (SGK) đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6, bước đầu đem lại hiệu quả. Các nhà trường chú trọng đổi mới quản trị theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của cơ sở và năng lực tự chủ, sáng tạo của giáo viên, học sinh.

Một giờ học môn Tiếng Việt ở Trường Tiểu học Văn Cao (Vụ Bản).
Một giờ học môn Tiếng Việt ở Trường Tiểu học Văn Cao (Vụ Bản).

Để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, ngành GD và ĐT tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, rà soát các điều kiện: Cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên; Tổ chức bồi dưỡng kiến thức môn học mới, mô-đun mới cho cán bộ quản lý, giáo viên; Tham mưu UBND tỉnh đầu tư mua sắm trang thiết bị đồ dùng dạy học cho các cơ sở giáo dục (CSGD). Sở GD và ĐT chỉ đạo các phòng GD và ĐT, các CSGD tổ chức rà soát đội ngũ, điều động, biệt phái đảm bảo đội ngũ triển khai dạy Chương trình GDPT 2018; phân công 5.949 giáo viên giảng dạy các môn học lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022 (2.158 giáo viên tham gia dạy chương trình lớp 2; 3.791 giáo viên tham gia dạy chương trình lớp 6). Hiện tại toàn ngành GD và ĐT đang rà soát, dự kiến phân công giáo viên dạy lớp 3, lớp 10 năm học 2022-2023. UBND tỉnh đã cấp kinh phí mua tài khoản LMS (hệ thống quản lý học tập trực tuyến) bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018. Sở GD và ĐT đã phối hợp Sở Nội vụ, Sở Tài chính tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 14-10-2020 thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 2020-2025; chỉ đạo phòng GD và ĐT các huyện, thành phố tham mưu với UBND cấp huyện ban hành Kế hoạch thực hiện hàng năm; tổng hợp kế hoạch của UBND huyện, thành phố; chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính tham mưu với UBND tỉnh thực hiện kế hoạch. Sở chỉ đạo các CSGD rà soát, thống kê trang thiết bị hiện có, đề xuất trang bị mới để đáp ứng Chương trình GDPT 2018, đồng thời tăng cường cơ sở vật chất, sắp xếp phòng học, phòng bộ môn theo quy định; tiến hành sửa chữa, bảo quản thiết bị, đồ dùng dạy học; chủ động lập kế hoạch mua sắm, bổ sung thiết bị dạy học cần thiết theo lộ trình, hướng dẫn của Bộ GD và ĐT. 

Sở GD và ĐT đã hướng dẫn các CSGD, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa (SGK) của tỉnh tổ chức lựa chọn SGK theo đúng quy định tại Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT. Để triển khai Chương trình GDPT 2018 năm học 2022-2023, Sở đã xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện lựa chọn SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 (Kế hoạch số 28/KH-SGDĐT ngày 10-1-2022) và hướng dẫn các CSGD đề xuất lựa chọn SGK (Công văn số 233/SGDĐT ngày 24-2-2022); tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các Hội đồng lựa chọn SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10; phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức hội nghị trực tuyến để giới thiệu các bộ SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 đã được Bộ GD và ĐT phê duyệt. Hiện tại, Sở GD và ĐT đã tổ chức biên soạn, thẩm định xong Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Nam Định lớp 3, lớp 7 và lớp 10, đang hoàn thiện hồ sơ trình Bộ GD và ĐT phê duyệt. 

Bám sát chỉ đạo của Bộ GD và ĐT, Sở GD và ĐT về thực hiện Chương trình GDPT 2018, các CSGD đã xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục thích ứng với tình hình, diễn biến dịch bệnh COVID-19 và thực hiện việc kiểm tra, đánh giá theo quy định; chú trọng đổi mới sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, đặc biệt là sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn bằng hình thức nghiên cứu bài học, sinh hoạt chuyên đề. Các trường tiểu học, THCS, THPT đã thực hiện rà soát, dự kiến phân công giáo viên dạy lớp 3, lớp 7 và lớp 10 trong năm học 2022-2023. 

Cùng với việc xây dựng kế hoạch giáo dục, chuẩn bị đội ngũ, các nhà trường đang thực hiện rà soát, bổ sung các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện Chương trình GDPT 2018; triển khai cho cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu, đánh giá SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo Danh mục SGK ban hành kèm theo Quyết định của Bộ GD và ĐT và gửi báo cáo đánh giá, Danh mục SGK đề xuất lựa chọn về Sở GD và ĐT. Các trường tổ chức nghiên cứu tất cả các bản mẫu SGK, tài liệu, video hướng dẫn, giới thiệu các bộ sách, cuốn sách; đánh giá, nhận xét, đề xuất lựa chọn SGK đảm bảo khách quan, nghiêm túc, đúng quy định.

Với sự chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, Chương trình GDPT 2018 đã và đang tiếp tục được triển khai hiệu quả tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn gặp không ít khó khăn: do dạy học trực tuyến ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và hiệu quả triển khai các phương pháp dạy học tích cực, nhất là đối với lớp 1, lớp 2. Việc tuyển giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THPT khó thực hiện vì tổng biên chế không thiếu; việc biệt phái từ cấp THCS cũng không khả thi vì giáo viên 2 môn này không thừa ở cấp THCS. Lệch cơ cấu, chủng loại giáo viên ở cấp THCS, một số môn thừa, một số môn lại thiếu dẫn đến khó khăn trong việc triển khai Chương trình GDPT 2018. Thiếu giáo viên tiểu học do thiếu biên chế và thiếu nguồn tuyển. Quy trình lựa chọn SGK, Âm nhạc, Mỹ thuật của cấp THPT gặp khó khăn vì chưa có giáo viên nên các trường không thể đề xuất danh mục, công tác bố trí, điều động giáo viên môn Âm nhạc và Mỹ thuật căn cứ vào việc lựa chọn của học sinh ở mỗi nhà trường (vì đây là 2 môn học lựa chọn). Trong thời gian tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên các thành viên trong Ban biên soạn ít tiếp xúc, đi thực tế ở các địa phương, tìm hiểu và xác minh các tư liệu nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. 

Để khắc phục khó khăn, tồn tại nêu trên, các huyện, thành phố cần tăng cường đầu tư trang thiết bị đảm bảo đầy đủ thiết bị tối thiểu theo yêu cầu Thông tư 37, 38, 39 của Bộ GD và ĐT. Sở GD và ĐT tích cực triển khai tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo lại và tuyển bổ sung, luân chuyển giáo viên đảm bảo đủ chủng loại, cơ cấu đáp ứng triển khai Chương trình GDPT 2018; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới, tiếp cận công nghệ 4.0. 

Theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018, năm học 2022-2023, chương trình GDPT 2018 sẽ được triển khai đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Để tạo thuận lợi cho việc tiếp tục triển khai Chương trình GDPT 2018 trong năm học 2022-2023 và các năm học tiếp theo, Sở GD và ĐT và các trường học kiến nghị Bộ GD và ĐT cần tăng cường tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018; xây dựng, điều chỉnh Chương trình đào tạo ở các trường sư phạm đảm bảo sinh viên ra trường có thể dạy ngay các môn mới, môn tích hợp; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học tích hợp, môn học mới; phối hợp với Bộ Nội vụ cho phép tuyển giáo viên tiểu học trình độ cao đẳng (giáo viên cam kết đạt chuẩn trước năm 2030); ban hành hướng dẫn việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có triển khai dạy Chương trình GDPT 2018./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com