Phát huy vai trò của dòng họ trong phong trào khuyến học, khuyến tài

08:04, 12/04/2022

Truyền thống hiếu học trong các dòng họ là yếu tố quan trọng, phát triển và nâng cao chất lượng phong trào khuyến học, khuyến tài. Đối với tỉnh ta, các dòng họ hiếu học đang ngày càng được nâng cao về số lượng, đẩy mạnh về chất lượng hoạt động.

Chi hội khuyến học làng Cố Bản, xã Đại Thắng (Vụ Bản) trao phần thưởng cho các học sinh chăm ngoan, học giỏi của làng.
Chi hội khuyến học làng Cố Bản, xã Đại Thắng (Vụ Bản) trao phần thưởng cho các học sinh chăm ngoan, học giỏi của làng.

Đến nay, hầu hết các dòng họ trong tỉnh đều thành lập, duy trì hiệu quả Ban Khuyến học của dòng họ; đồng thời xây dựng quỹ khuyến học nhằm kịp thời khen thưởng, động viên con cháu đạt thành tích cao trong học tập, công tác. Nhiều dòng họ đã tổ chức cho con cháu đỗ thạc sĩ, tiến sĩ về vinh quy bái tổ và ghi danh vào bảng vàng, coi đây là niềm tự hào, vẻ vang của dòng họ. Dòng họ Lê Đại Tông ở xã Hải Hưng (Hải Hậu) nhiều năm qua được công nhận là “Dòng họ khuyến học tiêu biểu”, “Dòng họ học tập tiêu biểu” của huyện, được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen. Để phong trào khuyến học, khuyến tài hoạt động có hiệu quả, từ năm 1997 Ban Khuyến học dòng họ đã xây dựng quy ước hoạt động nêu cụ thể các mục tiêu: từ phát triển hội viên, xây dựng quỹ đến quy định các hình thức khen thưởng, sau đó triển khai tới từng hộ dân. Ngoài tuyên truyền, vận động gia đình quan tâm kèm cặp, định hướng để các con, các cháu học tập tiến bộ, dòng họ còn nêu gương gia đình hiếu học và gương thành đạt bằng con đường học tập. Từ chỗ trong dòng họ còn có những gia đình chưa coi trọng việc học, thì nay con em được đến trường đúng độ tuổi, không có ai bỏ học giữa chừng, 92% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào học THPT, nhiều học sinh thi đỗ vào các trường đại học. Năm 2011, khi dòng họ triển khai xây dựng “Dòng họ học tập” theo tiêu chí mới, dòng họ đã có 92% gia đình đăng ký, trong đó có 85% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”. Đến năm 2015, dòng họ có 21 gia đình tiêu biểu được Hội Khuyến học tỉnh công nhận và khen thưởng, trong đó có 3 gia đình có 3 thế hệ học đại học, 4 gia đình có cả bố và con học đại học, 15 gia đình bố mẹ làm ruộng nhưng nuôi được 2 con học đại học. Để khen thưởng cho những con cháu học giỏi và giúp đỡ những trường hợp có hoàn cảnh gia đình khó khăn, dòng họ thành lập Quỹ khuyến học với sự tham gia đóng góp của tất cả các thành viên, trong đó những người con xa quê làm ăn thành đạt mỗi năm đóng góp từ 300-500 nghìn đồng, có người ủng hộ hàng chục triệu đồng. Đến nay, Quỹ khuyến học của dòng họ có trên 200 triệu đồng; mỗi năm dòng họ trích khoảng 15 triệu đồng cho công tác khen thưởng và giúp đỡ con em trong họ vươn lên trong học tập và rèn luyện. Riêng trong 5 năm qua, dòng họ đã có 523 học sinh được khen thưởng, trong đó có 2 em đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, 5 em đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, 18 em đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, 23 em thi đỗ vào đại học. Ông Lê Huy Vọng, thành viên ban khuyến học dòng họ cho biết: “Từ thực tế làm công tác khuyến học của dòng họ tôi thấy thành tích của mỗi gia đình, dòng họ đã tạo động lực phấn đấu cho gia đình, dòng họ khác, góp phần không nhỏ giúp con cháu trong các dòng họ không ngừng phấn đấu, học tập. Dòng họ Lê Đại Tông hiện có 1 phó giáo sư, 3 tiến sĩ, 17 thạc sĩ và 112 kỹ sư, cử nhân. Phong trào thi đua xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học đã tạo sự gắn kết hiệu quả với phong trào xây dựng cộng đồng khuyến học, góp phần xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của địa phương”.

Hiện nay, ở nhiều địa phương, người dân đã nhận thức rõ phong trào khuyến học, khuyến tài không còn là việc riêng của mỗi gia đình, dòng họ mà thực sự trở thành việc chung của cộng đồng. Cùng với việc động viên con cháu phấn đấu trong học tập, rèn luyện, việc giáo dục truyền thống của dòng họ cho lớp trẻ được đặc biệt chú trọng. Vào các ngày giỗ tổ, ngày lễ, Tết, các dòng họ không chỉ tổ chức trao thưởng trọng thể cho con cháu có thành tích tốt trong học tập và rèn luyện mà còn thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để con cháu khắp mọi miền Tổ quốc biết, về dự đông đủ. Ngoài lễ dâng hương tưởng nhớ, con cháu trong các dòng họ còn được nghe giảng về truyền thống dòng họ, tạo động lực xây dựng các thế hệ sau học giỏi, chăm ngoan. Các gia đình còn phấn đấu xây dựng nếp sống văn hóa, không tệ nạn xã hội, tăng cường tinh thần đồng tông, đồng tộc. Mỗi địa phương có một cách làm sáng tạo, mỗi dòng họ một hình thức khuyến học riêng, nhưng tất cả đều chung mục tiêu là nuôi dưỡng và phát huy tinh thần hiếu học của gia đình mình, dòng họ mình. Bên cạnh đó, các gia đình, dòng họ còn có ý thức gắn kết phong trào xây dựng dòng họ học tập với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới”... Qua đó, từng bước nâng cao đời sống văn hóa, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Để phong trào xây dựng dòng họ học tập có sức lan tỏa, phát triển sâu rộng, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, Hội Khuyến học cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nêu cao vai trò, tầm quan trọng của hoạt động khuyến học nói chung, xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập nói riêng. Từ đó, khơi dậy tinh thần thi đua trong các gia đình, dòng họ, động viên, khuyến khích con cháu học tập, hướng tới xây dựng gia đình văn hóa, cộng đồng giàu mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com