Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới biển

08:04, 13/04/2022

Khu vực biên giới biển của tỉnh có 19 xã, thị trấn thuộc 3 huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng; dân số trên 188 nghìn nhân khẩu, trong đó đồng bào theo Công giáo chiếm 47,88%. Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân các xã, thị trấn ven biển, góp phần xây dựng khu vực biên giới biển ổn định, ngày một vững mạnh, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quất Lâm (Giao Thủy) phát tờ gấp tuyên truyền về chủ quyền biên giới biển cho ngư dân.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quất Lâm (Giao Thủy) phát tờ gấp tuyên truyền về chủ quyền biên giới biển cho ngư dân.

Thực hiện Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021”, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Đề án của tỉnh gồm 9 thành viên, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. UBND tỉnh giao Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh và Sở Tư pháp bố trí 10 đồng chí báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; thành lập các tổ tuyên truyền viên pháp luật tại cơ quan, đơn vị cơ sở với 20 đồng chí. UBND các xã, thị trấn biên giới biển cũng phối hợp với đồn biên phòng và lực lượng có liên quan thành lập mỗi xã 1 tổ tuyên truyền pháp luật. Hàng năm, các sở, ngành, các địa phương, đơn vị đã chủ động bám sát các nội dung của Ban Chỉ đạo Đề án thường xuyên lồng ghép tuyên truyền, PBGDPL trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương như tạp chí “Vì an ninh Tổ quốc”, tạp chí “Quân sự địa phương”, chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới biển đảo” trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Tiếp tục củng cố duy trì hoạt động và nâng cao chất lượng của tủ sách pháp luật tại các đơn vị, địa phương; động viên cán bộ, nhân dân đọc, nghiên cứu, trao đổi các văn bản quy phạm pháp luật; tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật do các cấp phát động theo các hình thức thi trực tuyến, thi viết… Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản pháp luật gần gũi với thực tế cuộc sống của nhân dân, những vấn đề nổi lên trên địa bàn; âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá nước ta của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, giúp nhân dân nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, xây dựng tinh thần đoàn kết dân tộc, kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, không để kẻ xấu móc nối, mua chuộc, kích động gây mất an ninh, trật tự, vi phạm pháp luật… Là cơ quan thường trực Đề án, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chủ động phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới biển bằng nhiều hình thức như: tổ chức biểu diễn văn nghệ; thi tìm hiểu về pháp luật; nói chuyện pháp luật, tư vấn pháp luật, thực hiện các nội dung giáo dục pháp luật hoà giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật; ký cam kết cho ngư dân không khai thác thủy hải sản bất hợp pháp, tích cực bảo vệ chủ quyền trên biển của Việt Nam; đưa tin, bài, văn bản trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và hệ thống Đài truyền thanh địa phương... Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng đổi mới phương pháp tuyên truyền, tích cực phối hợp chính quyền địa phương, người có uy tín, chức sắc tôn giáo vào cuộc, nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn đứng chân hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19. Cán bộ, chiến sĩ biên phòng cùng đến từng hộ gia đình tuyên truyền, ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và xuất, nhập cảnh; phối hợp với các lực lượng y tế, công an, quân sự địa phương cấp phát hàng nghìn tờ rơi, khẩu trang y tế miễn phí cho nhân dân khu vực biên giới biển; thực hiện mô hình “Tiếng loa Biên phòng”, tuyên truyền lưu động bằng loa đến các khu dân cư, đầm, bãi, tàu, thuyền về những biện pháp phòng chống dịch bệnh, ngăn chặn dịch COVID-19 xâm nhập, lây lan qua biên giới và quy định về cấm xuất nhập cảnh trái phép, góp phần ngăn chặn và làm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.

Với nhiều hình thức tuyên truyền, PBGDPL, từ năm 2017 đến nay toàn tỉnh đã tổ chức trên 300 hội nghị tuyên truyền tập trung cho trên 36 nghìn lượt người. Tuyên truyền lồng ghép thông qua các buổi sinh hoạt, hội họp của các ban, ngành, đoàn thể, khu dân cư, các điểm sinh hoạt tôn giáo 117 buổi cho 6.435 lượt người; tổ chức được 215 buổi tư vấn pháp luật; 99.468 người tham gia Cuộc thi tìm hiểu về Biên giới quốc gia và BĐBP; xây dựng trên 700 chuyên mục, tin, phóng sự trên truyền hình; đăng tải hàng chục văn bản pháp luật về nhiệm vụ biên phòng trên cổng thông tin điện tử của tỉnh; phát 1.080 buổi/95 giờ trên đài phát thanh huyện và đài truyền thanh của các xã, thị trấn biên giới biển. Cấp phát 6.034 cuốn tài liệu, 16.500 đĩa DVD và 131 nghìn tờ rơi tuyên truyền pháp luật; 150 cuốn sách pháp luật, biên soạn 5 loại/50 nghìn bản tờ rơi, tờ gấp pháp luật, 1.500 đĩa DVD tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật cho 258 khu dân cư, các cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh.

Với việc tăng cường công tác tuyên truyền, PBGDPL đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo, tạo sự đồng thuận thống nhất của xã hội trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Qua công tác tuyên truyền đã giúp lực lượng BĐBP, Công an thường xuyên nắm chắc tình hình địa bàn, rà soát các đối tượng nghi vấn, tiếp cận các đường dây, ổ nhóm tội phạm; nắm quy luật, phương thức hoạt động của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, xây dựng kế hoạch đấu tranh, triệt phá. Từ năm 2017 đến nay, các lực lượng chức năng đã đấu tranh, xử lý trên 500 vụ vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn biên giới biển. Đại tá Trần Quốc Hoàn, Chính ủy BĐBP tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” tỉnh cho biết: “Để tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới biển của tỉnh trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo đề án các cấp cần tích cực, chủ động trong công tác tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong huy động sức mạnh tổng hợp của các ngành, các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội trong thực hiện Đề án ở cơ sở. Quán triệt, nắm vững định hướng tư tưởng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương, đồng thời phải cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện một cách sát, đúng với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Huy động được sự vào cuộc của các ngành, các lực lượng và đề cao trách nhiệm của Ban Chỉ đạo Đề án các cấp trong hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, sơ, tổng kết rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện. Nội dung tuyên truyền, PBGDPL căn cứ theo nhu cầu của cán bộ và nhân dân; hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, linh hoạt và phải được lồng ghép với các hoạt động phong trào, các tổ chức đoàn hội tại địa phương phù hợp với đặc điểm tình hình địa bàn, đơn vị./.

Bài và ảnh: Văn Trọng

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com