Công tác xã hội hóa giáo dục góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

07:03, 27/03/2012

Dẫn chúng tôi đi tham quan toàn cảnh Trường Tiểu học Trực Thành, Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh), cô giáo Nguyễn Thị Thơm, hiệu trưởng nhà trường phấn khởi tâm sự: Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và đặc biệt là tấm lòng hảo tâm của ông Nguyễn Quốc Thập, một người con của quê hương đang công tác tại Cty Dầu khí Hoàng Long (thuộc Tổng Cty Khai thác dầu khí Việt Nam) nên đến nay, trường đã có được một cơ ngơi khang trang với đầy đủ các phòng học, phòng chức năng cùng nhiều trang thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu giáo dục trong giai đoạn mới. Đó là nguồn động viên lớn để nhà trường phấn đấu vươn lên, đưa sự nghiệp GD và ĐT của thị trấn ngày càng phát triển. Có thể nhận rõ niềm vui trong từng ánh mắt, nụ cười của tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh. Bởi, trước năm 2009, Trường Tiểu học Trực Thành là một trong những trường có cơ sở vật chất yếu kém của huyện với nhiều khu lớp học phân tán. Vốn là người con của quê hương nay đã trưởng thành, chứng kiến học sinh tiểu học trong thị trấn phải học tập trong điều kiện còn khó khăn, ông Nguyễn Quốc Thập đã tặng 100 nghìn USD cho nhà trường để xây dựng cơ sở vật chất và tặng 10 dàn máy vi tính để cô và trò nhà trường có điều kiện học tập. Cùng với đó, Đảng ủy, UBND thị trấn đã trích ngân sách hơn 1 tỷ đồng để đầu tư xây dựng ngôi trường cao tầng với 18 phòng học và phòng chức năng trên diện tích gần 6.000m2 và được đưa vào sử dụng trong dịp khai giảng năm học mới 2009-2010. Từ đó đến nay, nhà trường còn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp, những người con của quê hương với số tiền trên 130 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị dạy học; Hội đồng hương của thị trấn tại Hà Nội đã quyên góp cho thư viện nhà trường mỗi năm hàng trăm đầu sách; ông Lưu Duẩn, một người con của quê hương cũng thường xuyên về thăm và tặng quỹ học bổng, tặng nhiều hiện vật cho học sinh, đưa cán bộ, giáo viên  của trường đi tham quan, du lịch… Từ những sự chăm lo đó, chất lượng giáo dục của nhà trường đã có bước phát triển rõ rệt. Đội ngũ giáo viên của trường không ngừng học tập, phấn đấu vươn lên, số cán bộ, giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn đạt gần 100%. Năm 2011, Trường Tiểu học Trực Thành đã có 21 học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, 4 học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh…

Cô và trò Trường Mầm non Trực Hải (Liêm Hải) trong giờ lên lớp.
Cô và trò Trường Mầm non Trực Hải (Liêm Hải) trong giờ lên lớp.

Trường Tiểu học Trực Thành chỉ là một trong nhiều trường học của huyện Trực Ninh nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và tấm lòng hảo tâm chăm lo cho sự nghiệp “trồng người’’. Có thể nói, cuộc vận động xã hội hóa giáo dục đã thực sự mang đến một luồng gió mới cho sự phát triển giáo dục của địa phương. Trong những năm gần đây, chỉ tính riêng đóng góp của các nhà hảo tâm, đã có hàng chục phòng học cao tầng được xây dựng. Tiêu biểu như Trường Tiểu học Trực Nội được một người con quê hương ủng hộ 7,5 tỷ đồng để xây ngôi trường hiện đại gồm 12 phòng học 3 tầng, 2 dãy nhà ngang thấp tầng cùng phòng hội trường, 2 phòng hiệu bộ, các phòng học chức năng, thư viện, sân chơi, bãi tập… trên diện tích 6.565m2. Trường được khánh thành và đón chuẩn quốc gia mức độ 2 vào năm 2010. Bằng sự quan tâm đóng góp với số tiền 3,5 tỷ đồng của một số học sinh cũ, Trường Tiểu học Trực Cường đã được cải tạo, xây dựng khang trang với nhiều trang thiết bị dạy và học hiện đại. Ngoài ra, các Trường Mầm non Trực Hưng, Trực Thành, Trực Cát… cũng đã nhận được sự ủng hộ của các cá nhân với số tiền hàng tỷ đồng để chỉnh trang, xây dựng cơ sở vật chất. Không chỉ nhận được sự quan tâm của các cá nhân có tấm lòng hảo tâm đối với “sự học” của con em quê hương, các địa phương trong huyện đã tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng trường học cao tầng, đầu tư trang thiết bị giáo dục hiện đại ở tất cả các bậc học. Tính đến nay, toàn huyện đã có trên 50 trường đạt chuẩn quốc gia. Đầu năm 2011, Huyện ủy Trực Ninh đã ban hành 3 đề án công tác trọng tâm toàn khóa về các lĩnh vực, trong đó có đề án về “Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tập trung các nguồn lực xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2015”. Toàn huyện phấn đấu đến năm 2015 xây dựng thêm 23 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 8 trường mầm non, 7 trường tiểu học, 7 trường THCS, 1 trường THPT. Qua hơn một năm thực hiện đề án, các xã, thị trấn trong huyện đã có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của toàn dân về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ xây dựng trường, lớp học gắn với xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, huyện đã huy động các nguồn lực, đầu tư kinh phí xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng khu nhà ở học sinh nội trú và một số hạng mục phụ trợ Trường THCS Đào Sư Tích với tổng mức đầu tư năm 2011 là 4,153 tỷ đồng và đang tiếp tục đầu tư xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ với dự toán gần 3 tỷ đồng. Ngoài ra, ngành giáo dục huyện đã vận động các ngành, các cấp, các tổ chức kinh tế - xã hội và cá nhân với số tiền và hiện vật trị giá 539 triệu đồng xây dựng Trường THCS Đào Sư Tích thành trường trọng điểm chất lượng cao. Một số xã, thị trấn đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, tiêu biểu như các xã: Trực Nội, Trực Cường, Trực Hưng, Liêm Hải, Thị trấn Cát Thành. Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cũng được thực hiện tốt, với 6 trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt 150% kế hoạch của đề án. Chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2012 đến nay cũng đã đạt được 75% kế hoạch. Toàn huyện có 4/7 xã xây dựng điểm mô hình nông thôn mới có 100% trường học đạt chuẩn quốc gia. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học từ khi thực hiện đề án đến nay là gần 35 tỷ đồng. Kết quả thực hiện đề án đã làm cho diện mạo của nhiều trường học được khang trang, thực sự là điểm sáng trung tâm văn hóa, giáo dục của địa phương, mang lại hiệu quả trực tiếp trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường.

Đáp lại sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, ngành GD và ĐT huyện Trực Ninh đã phấn đấu vươn lên và ngày càng khởi sắc. Từ chỗ liên tục xếp thứ 8, thứ 9 trong các huyện, thành phố, 3 năm gần đây, GD và ĐT huyện đã bứt phá vươn lên đứng trong tốp dẫn đầu toàn tỉnh. Trong đó, năm học 2010-2011, với 14 chỉ tiêu thi đua được Sở GD và ĐT xếp loại xuất sắc thì có tới 7 chỉ tiêu ngành GD và ĐT Trực Ninh dẫn đầu và xếp thứ 2 toàn tỉnh về các chỉ tiêu dẫn đầu. Ngành GD và ĐT huyện cũng là đơn vị nổi bật trong toàn tỉnh trong công tác xã hội hóa giáo dục và chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Đến nay, tất cả hiệu trưởng, hiệu phó của các trường đều đã học qua lớp trung cấp chính trị. Tỷ lệ đảng viên của ngành đã đạt 52,6%, cao nhất trong toàn tỉnh. Ngành cũng liên tục mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng và cử giáo viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn nên tỷ lệ giáo viên đạt trình độ đào tạo chuẩn và trên chuẩn cao trong tỉnh. Quan tâm đến đội ngũ giáo viên, ngành cũng là đơn vị đầu tiên trong tỉnh đã tham mưu chuyển ngạch lương theo bằng cấp cho tất cả cán bộ, giáo viên. Vì vậy, đội ngũ giáo viên đều yên tâm công tác, tâm huyết với trường, lớp và học sinh. Tất cả các hội thi do Sở GD và ĐT tổ chức, ngành GD và ĐT huyện Trực Ninh đều đoạt giải nhất, giải nhì. Những kết quả đó sẽ là động lực để ngành GD và ĐT Trực Ninh tiếp tục vươn lên trong sự nghiệp “trồng người’, đáp ứng lòng tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện./.

Bài và ảnh: Hồng Minh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com