Chăn nuôi an toàn

03:03, 22/03/2012

Thịt lợn ở các chợ ế ẩm. Các cơ sở chăn nuôi, cả tập thể và tư nhân lâm vào tình trạng không tiêu thụ được lợn hơi; hoặc bị ép giá, dẫn đến thua lỗ nặng… Thông tin về những “công nghệ” chế biến thịt bẩn thành thịt tươi, về chất phụ gia cấm sử dụng trong chăn nuôi để "sản xuất" lợn siêu nạc làm cho người tiêu dùng hoang mang, ngành chăn nuôi lao đao.

Đồng Nai là tỉnh có đàn lợn lớn nhất cả nước, khoảng 1,2 triệu con. Trong đó, khoảng 50% nuôi theo hình thức trang trại và 50% nuôi nhỏ lẻ trong dân. Trung bình mỗi tháng, người chăn nuôi tỉnh này cung cấp ra thị trường khoảng 16 nghìn tấn thịt lợn. Đây cũng là địa phương đang phải đối mặt với sự thua lỗ nặng, vì giá lợn hơi giảm xuống dưới giá thành, có nguy cơ làm cho hàng nghìn hộ dân, hàng trăm trang trại làm nghề chăn nuôi phải “đóng cửa chuồng”.

Ảnh minh họa/Internet.
Ảnh minh họa/Internet.

Việc thịt bẩn, việc những người hám lợi đưa chất cấm vào chăn nuôi gây tổn hại sức khỏe nhân dân, ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng, làm tổn hại đến lợi ích quốc gia đã được luận bàn phê phán nhiều. Trong bài viết này chúng tôi xin đề cập đến việc khắc phục những rủi ro và xây dựng ngành chăn nuôi an toàn, bền vững. Có thể nói, chăn nuôi là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất của ngành nông nghiệp. Không chỉ liên tục hứng chịu dịch bệnh, nông dân còn phải thường xuyên đối mặt với sự “mất an toàn” do sự thao túng của thói gian dối và do cả sự thiếu hiểu biết…

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ngành chăn nuôi nước ta nhỏ lẻ, manh mún; cả ba khâu: Chăn nuôi, giết mổ, lưu thông đều chưa kiểm soát được. Bộ máy quản lý chuyên ngành ở cơ sở về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm chủ yếu là kiêm nhiệm nên không đủ khả năng để kiểm soát… Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN và PTNT), do không có quy hoạch nên nhiều xí nghiệp chăn nuôi, lò mổ, xí nghiệp chế biến thực phẩm phân bố rải rác và manh mún, lợi nhuận thấp, giá cả bấp bênh, thị trường ít ổn định. Số lượng các lò mổ đạt yêu cầu vệ sinh mới chiếm hơn 30%! Vì vậy, việc giết mổ gia súc, gia cầm bị bệnh, không qua kiểm soát còn là “lỗ hổng” lớn.

Để mục tiêu nâng cao tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt 38% vào năm 2015 và 42% vào năm 2020 và cung cấp những sản phẩm an toàn chất lượng cho xã hội, nhất thiết phải xây dựng cho được tiêu chí “chăn nuôi an toàn”, với các mô hình sản xuất phù hợp như: Trang trại, tổ hợp tác, doanh nghiệp, công ty cổ phần… tổ chức liên hoàn từ chăn nuôi, chế biến, dịch vụ. Thực hiện quản lý chặt từ nguồn giống đến chất lượng thức ăn; kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ, bảo quản, chế biến; nâng cao kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng. Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; công khai, minh bạch rộng rãi trong xã hội… Chỉ có như vậy mới đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com