Phát huy tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội

07:03, 27/03/2012

Huyện Trực Ninh qua 15 năm tái lập (1-4-1997 - 1-4-2012), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân đã đoàn kết, không ngừng phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Năm 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 11,6%. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch vững chắc, ngày đầu tái lập cơ cấu kinh tế của huyện chủ yếu là nông nghiệp, chiếm tới 56%, giá trị sản xuất CN-XD chỉ chiếm 16%, dịch vụ 28%, đến năm 2011 giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản chiếm 31,5%, CN-XD chiếm 36,9%, dịch vụ 31,6%. Trong nông nghiệp, Trực Ninh không chỉ tiếp tục giữ vững truyền thống thâm canh, mà còn thay đổi tập quán canh tác trong sản xuất lúa, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông sản tạo ra sự tăng trưởng cao, năm 2011, giá trị kinh tế  đạt 78 triệu đồng/ha, tăng 4,35 lần so với khi mới tái lập. Trực Ninh có nhiều điển hình trong sản xuất nông nghiệp: Các xã Trực Thái, Trực Đại, Trực Cường, Trực Hùng, Trung Đông… có vùng sản xuất lúa lai và các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt. Các xã Trực Chính, Trực Mỹ, Trực Khang… hình thành các vùng nuôi thủy sản tập trung...

Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, những năm qua, sản xuất CN-TTCN của huyện phát triển khá nhanh. Ngoài ngành nghề truyền thống, huyện đã du nhập và nhân rộng nhiều nghề mới. Trên địa bàn huyện hiện nay có các nghề: dệt vải, ươm tơ, chế biến lâm sản, sản xuất sợi PE, làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, sản xuất VLXD, cơ khí… Nghề dệt là nghề truyền thống cùng với nghề may đã tạo việc làm cho nhiều lao động. Nghề dệt may hiện nay đã có ở nhiều xã, thị trấn trong huyện như Trực Chính, Thị trấn Cổ Lễ, Phương Định, Trực Phú… Nghề chế biến lâm sản phát triển mạnh ở Trung Đông, Thị trấn Cổ Lễ. Đóng mới tàu thuyền ở Thị trấn Cổ Lễ, Thị trấn Cát Thành. Trên địa bàn huyện có 3 CCN Cổ Lễ, Cát Thành, Trực Hùng thu hút gần 100 nhà đầu tư và doanh nghiệp vào sản xuất. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng CN-TTCN của huyện thường đạt 19%/năm. Năm 1997, huyện mới có 16 doanh nghiệp thì đến năm 2012 đã có 250 doanh nghiệp; số lao động làm việc tại các doanh nghiệp tăng từ 754 lao động lên gần 7.500 lao động; giá trị sản xuất CN-TTCN tăng từ 44,7 tỷ đồng lên 887 tỷ đồng, tăng 19,9 lần. Giá trị hàng xuất khẩu tăng từ 11 tỷ đồng lên 135 tỷ đồng. Đến nay, số lao động trong ngành CN-TTCN và dịch vụ đạt gần 40 nghìn lao động, chiếm 41% lực lượng lao động của huyện.

Nông thôn xã Trực Phú đổi mới.
Nông thôn xã Trực Phú đổi mới.

Đại hội Đảng bộ huyện Trực Ninh lần thứ 23 (nhiệm kỳ 2010-2015) đã xác định là phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương và các nguồn lực xã hội để đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn trong đó phấn đấu giá trị sản xuất CN-TTCN đến năm 2015 đạt 1.670 tỷ đồng, mức tăng trưởng bình quân 19%/năm, chiếm gần 40% cơ cấu kinh tế. Huyện đang phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng như sản xuất VLXD, cơ khí, dệt may. Các làng nghề truyền thống Cổ Chất, Cự Trữ (Phương Định); Trung Lao (Trung Đông); Dịch Diệp (Trực Chính)… ổn định sản xuất. Khai thác hiệu quả 3 CCN Trực Hùng, Cổ Lễ, Cát Thành và các điểm công nghiệp ở các xã Trực Phú, Việt Hùng, Trực Nội góp phần thu hút nhiều lao động, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người lao động. Có thể nói sau 15 năm tái lập, huyện Trực Ninh đã có bước tiến về xây dựng và phát triển hạ tầng. Tổng nguồn vốn đầu tư sau 15 năm đạt 4.008 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách 1.344 tỷ đồng, nguồn vốn doanh nghiệp và nhân dân đóng góp là 2.664 tỷ đồng. Nhiều công trình trên địa bàn đã được làm mới, nâng cấp, cải tạo với 43km đường trục huyện, 95km đường trục xã, 221km đường thôn xóm; mái bằng hóa 235 phòng học mầm non, 243 phòng học tiểu học, 80 phòng học THCS, 120 phòng học các trường THPT; làm mới 45 nhà công sở làm việc, phòng khám chữa bệnh…

Huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ và toàn diện các nhiệm vụ trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Khi mới tái lập chất lượng giáo dục của huyện xếp thứ 8, thứ 9, những năm gần đây đã vươn lên xếp thứ 3 toàn tỉnh. Huyện thường xuyên làm tốt công tác y tế dự phòng, khám chữa bệnh cho nhân dân, chủ động phòng chống dịch bệnh, không để xảy ra dịch. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 33,75% xuống còn 16%; tỷ lệ dân dùng nước sạch hợp vệ sinh tăng từ 31% lên 97%. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thực hiện chính sách đối với người có công, các hoạt động nhân đạo từ thiện được thực hiện thường xuyên, kịp thời và có hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, an ninh nông thôn được giữ vững; hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố vững chắc, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng được nâng lên.

Tính đến hết năm 2011, 7 xã xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 của huyện đều đã hoàn thành xây dựng đề án xây dựng NTM; Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011-2015; Quy hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, trong đó xã Trực Nội là xã xây dựng thí điểm NTM của tỉnh hiện đã đạt 10/19 tiêu chí. Xã Trực Hùng hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa trong tháng 11-2011. Các xã Trực Đại, Trực Thanh, Trực Hưng, Trung Đông, Việt Hùng cơ bản hoàn thành trong tháng 12-2011. Các xã đã triển khai thi công nhiều công trình giao thông thủy lợi với tổng mức đầu tư trên 137 tỷ đồng.

Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Trực Ninh quyết tâm phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23 (nhiệm kỳ 2010-2015), trong đó tốc độ phát triển kinh tế hằng năm đạt trên 13%, cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng công nghiệp - xây dựng, phấn đấu đến năm 2015 giá trị sản xuất nông nghiệp thủy sản đạt 485 tỷ đồng, tăng bình quân 3%/năm; giá trị thu nhập trên 1ha canh tác đạt 85 triệu đồng, chiếm 28,5% cơ cấu kinh tế, giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 1.670 tỷ đồng, chiếm khoảng 40%... Để đạt được các mục tiêu trên, huyện Trực Ninh thực hiện có hiệu quả 3 đề án phát triển kinh tế - xã hội của BCH Đảng bộ huyện. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh; chú trọng đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội quan trọng để phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh. Đẩy mạnh phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành dịch vụ, tạo điều kiện giúp đỡ các doanh nghiệp gặp khó khăn, huy động mọi nguồn lực, tăng cường cơ sở kỹ thuật hạ tầng, chú trọng phát triển các ngành nghề chủ yếu: dệt may, cơ khí, sản xuất VLXD... Duy trì phát triển sản xuất nông nghiệp, tiếp tục khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế nông nghiệp nông thôn; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông ứng dụng tiến bộ KHKT, cơ giới hóa khâu gieo sạ, thu hoạch, xây dựng nhiều mô hình trình diễn. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh giảm nghèo. Thực hiện hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu phát triển NTM. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch hành chính; công khai minh bạch trong thực thi các chính sách và pháp luật của Nhà nước. Củng cố quốc phòng an ninh, ổn định chính trị xã hội tạo điều kiện để phát triển.

Qua 15 năm tái lập, huyện Trực Ninh đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Có 2 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; 6 tập thể và 9 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 2 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; 15 tập thể và 12 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều Bằng khen cho tập thể, cá nhân của UBND tỉnh./.

Bài và ảnh: Hữu Quyết



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com