Hiệu quả thực hiện đổi mới sáng tạo trong dạy và học

07:09, 14/09/2020

Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhấn mạnh: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Trên tinh thần ấy, những năm qua ngành GD và ĐT tỉnh đã đẩy mạnh phong trào đổi mới, sáng tạo trong dạy học, qua đó đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (thành phố Nam Định) trong một giờ học.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (thành phố Nam Định) trong một giờ học.

Sở GD và ĐT đã triển khai trong toàn ngành phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” theo hướng dẫn của Bộ GD và ĐT với nhiều cách làm sáng tạo và bằng những hoạt động cụ thể; mỗi tập thể, mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có những cách riêng trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tạo sự chuyển biến rõ nét trong từng lĩnh vực hoạt động. Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các cấp học tổ chức cho giáo viên thực hiện “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” theo phương châm: “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường là một đổi mới trong công việc”, các nhóm nhà giáo đăng ký “Nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển”. Sở GD và ĐT đã thành lập Hội đồng chuyên môn cấp trung học; thành lập và tổ chức hoạt động chuyên môn theo cụm trường (9 cụm trường THPT và các cụm trường trong từng huyện, thành phố theo từng cấp học) để triển khai hiệu quả các hoạt động chuyên môn như: Hội thảo chuyên đề, sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn của giáo viên và giao lưu của học sinh. Thực hiện đổi mới trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh cho học sinh lớp 9, lớp 12, tỉnh ta đã đi đầu thực hiện đổi mới trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT với 3 bài thi (bài thi môn Toán, bài thi môn Ngữ văn và bài thi tổng hợp); đổi mới các cuộc thi, hội thi của các cấp học... Tại các cơ sở giáo dục đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, thực hiện chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học của các môn học và các chủ đề dạy học tích hợp liên môn… nhằm mang lại hiệu quả trong quản lý, giáo dục học sinh, đồng thời tạo sự chuyển biến trong đổi mới căn bản phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, giáo dục theo phương hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên không ngừng đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc được giao. Ở cấp học mầm non, mặc dù chế độ cho giáo viên còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã tận tình chăm sóc, nuôi dạy, giúp trẻ phát triển cả về thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, rèn luyện các thói quen, kỹ năng tốt; tận dụng vật liệu sẵn có ở địa phương sáng tạo làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ; tích cực và chủ động tổ chức, tham gia các hoạt động tập thể, xây dựng trường học xanh - sạnh - đẹp - an toàn. Các thầy, cô giáo ở bậc học phổ thông đã đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh nhằm phát triển năng lực, phẩm chất của người học, bám lớp, bám trường, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo dục hoà nhập cộng đồng cho học sinh khuyết tật... Các thầy, cô giáo ở các trung tâm GDNN-GDTX đã trăn trở lựa chọn phương pháp dạy học cho từng đối tượng học viên, động viên, khuyến khích các em học tập, rèn luyện đạo đức lối sống, kiến thức phổ thông và kỹ năng nghề nghiệp để các em tự tin bước ra cuộc sống. Các thầy, cô giáo trong các trường phổ thông, với tinh thần “kỷ cương, chuyên nghiệp, tận tuỵ và sáng tạo” năng động sáng tạo kết hợp giảng dạy với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh.

Với nhiều giải pháp đồng bộ trong đổi mới dạy và học, thi, kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng giáo dục các cấp học trong tỉnh đã đạt những kết quả đáng tự hào: 100% trường và số trẻ mầm non được học 2 buổi/ngày theo Chương trình GDMN chuẩn; 100% trường mầm non tổ chức ăn bán trú; 100% trẻ được khám sức khoẻ định kỳ và theo dõi sự tăng trưởng bằng biểu đồ; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng hàng năm đều giảm. 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đúng tuổi. Ở cấp THCS, năm học 2019-2020, số học sinh xếp loại hạnh điểm tốt đạt 87,01% (tăng 1,32% so với năm học trước); học lực giỏi đạt 27,27% (tăng 2,06% so với năm học trước), học lực khá là 43,46% (giữ ổn định so với năm học trước), học lực trung bình là 26,22%. Ở cấp THPT, năm học 2019-2020 số học sinh xếp loại hạnh điểm tốt đạt 91,42% (tăng 5,26% so với năm học trước); xếp loại học lực giỏi đạt 28,84% (2,65% so với năm học trước), học lực khá đạt 55,11% (giữ ổn định so với năm học trước), học lực trung bình là 14,88% (giảm so với năm học trước). Trong các kỳ thi, cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế, mỗi năm có hàng nghìn học sinh tiêu biểu được UBND tỉnh, Sở GD và ĐT tuyên dương, khen thưởng. Có rất nhiều học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế; tiêu biểu như em Đinh Thị Phương Thảo 2 năm liền đạt Huy chương Vàng Olympic Quốc tế môn Vật lý; các em: Phạm Thanh Lâm, Hoàng Thanh Tùng, Nguyễn Thành Trung đạt Huy chương Bạc Olympic quốc tế môn Hoá học… Trong giai đoạn 2015-2020, đội tuyển học sinh giỏi tỉnh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, khu vực, quốc tế đều giành giải. Kết quả thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT nhiều năm luôn giữ ổn định và trong tốp dẫn đầu toàn quốc; điểm bình quân thi THPT quốc gia của tỉnh ta năm 2016, 2017, 2019, 2020 xếp thứ Nhất, năm 2018 xếp thứ Nhì toàn quốc.

Nhà giáo Ưu tú Cao Xuân Hùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD và ĐT cho biết: Ngành GD và ĐT đã chú trọng xây dựng nhà trường “4 tốt”, đó là: Môi trường giáo dục tốt; Quản lý tốt; Dạy tốt và Học tốt. Cụ thể địa phương, ngành giáo dục Nam Định chú trọng đầu tư cơ sở vật chất ở các nhà trường ngày càng hoàn thiện, đầy đủ để phục vụ cho công tác dạy và học được tốt nhất. Các trường học đặc biệt chú trọng tính kỷ luật, kỷ cương trên nền tảng dân chủ, công khai, minh bạch; đề cao đạo lý tôn sư trọng đạo tôn trọng đồng nghiệp, cùng nhau phát triển, xây dựng các mối quan hệ hài hoà, bình đẳng. Ngành tham mưu, đề bạt, bổ nhiệm những cán bộ quản lý nhà trường gương mẫu, có phẩm chất đạo đức tốt, giỏi về chuyên môn, tâm huyết với nghề. Người thầy luôn đồng hành cùng học sinh trong học tập, liên tục đổi mới các phương pháp dạy học cùng với đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá; tổ chức nhiều sân chơi ngoại khóa bổ ích cho học sinh có cơ hội rèn luyện, thể hiện và khẳng định mình, đồng thời, để nâng cao hiệu quả các giờ học chính khoá, nhà trường luôn khuyến khích tự học, tự bồi dưỡng, tự đào tạo; hướng cho học sinh tự học, cách tư duy độc lập, đa dạng hoá các hình thực học tập không máy móc. Các nhà trường luôn chủ động xây dựng kế hoạch dạy học. Coi trọng bồi dưỡng đội ngũ tại chỗ thông qua sinh hoạt chuyên môn tại trường, theo cụm trường. Phương châm dạy từ cơ bản, chắc chắn đến nâng cao, phân loại học sinh để có giải pháp phù hợp cho từng đối tượng… Chính vì vậy trong những năm qua, ngành GD và ĐT tỉnh ta đã phát huy được rất nhiều thế mạnh của cả thầy và trò ở các nhà trường. Từ đó, chất lượng, hiệu quả giáo dục tỉnh ta đã có những bước tiến dài, vững chắc trong nhiều năm qua.

Kết quả của “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” nhiều năm qua đã và đang trở thành động lực để toàn ngành GD và ĐT, đặc biệt là các nhà trường chủ động, sáng tạo, tích cực đổi mới trong quản lý, giảng dạy và học tập trong năm học mới./.

Bài và ảnh: Minh Thuận


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com